Dạy trẻ biết xin lỗi - cảm ơn
Ở nước ngoài, ai đó chẳng may vô tình chạm vào người khác trong đám đông, chẳng may làm rơi đồ xuống đất… họ đều ngay lập tức nói lời xin lỗi. Bất cứ khi nào ai đó làm việc gì cho họ như: nhường chỗ xếp hàng khi mua đồ, chỉ đường, lấy dùm sách trên kệ, thanh toán tiền trong tiệm ăn… họ đều nói lời cảm ơn. Tất cả đều thể hiện rất tự nhiên và chân thành. Trẻ em người nước ngoài cũng vậy, được dạy nói lời cảm ơn và xin lỗi từ khi đang tập nói. Dĩ nhiên, trong một môi trường thuận lợi như vậy, mọi việc đều đến với các em một cách rất tự nhiên không gượng ép.
Còn ở Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ hiện nay, việc nói lời cảm ơn và xin lỗi dường như là điều rất khó để mở lời. Tôi đã làm một thử nghiệm nho nhỏ với 10 em HS xung quanh nơi tôi làm việc, thì 7 em khi nhận quà chỉ biết e thẹn quay đi, 2 em nói lời cảm ơn một cách rất ngượng ngùng và chỉ 1 em tự tin nói lời cảm ơn kèm theo nụ cười rất tươi.
Theo các nghiên cứu về mặt tâm lý, trẻ con rất hay quan sát và bắt chước bố mẹ, ông bà trong cách nói năng, cư xử hàng ngày. Vì thế, chính những hành vi, thái độ và cách cư xử của người lớn là một tấm gương sáng để trẻ noi theo.
Trẻ con tiếp thu rất nhanh và ghi nhớ cũng rất giỏi. Chính vì vậy, nếu không thực hiện được lời hứa với trẻ, bạn nhất định phải nói lời xin lỗi. Đây là cách thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ, xoa dịu cảm xúc và giúp trẻ có những bài học đáng quý từ những chi tiết nhỏ. Qua đó, dần hình thành nên thói quen nói lời xin lỗi mỗi khi trễ hẹn hoặc mắc sai lầm hay lời cảm ơn khi được người khác giúp đỡ.
Ăn một bữa cơm ngon do bà nội nấu, mẹ ý tứ cảm ơn bà. Đi ngang một xe rác ở trước cửa nhà, bố lên tiếng cảm ơn cô quét rác vất vả vì mình. Xuống xe taxi, mẹ trân trọng cảm ơn chú lái xe. Bố cảm ơn mẹ khi mẹ ủi xong chiếc áo sơ mi để bố kịp đi làm… Mỗi ngày, những hành động như thế diễn ra trước mắt trẻ, nhẹ nhàng cho trẻ khái niệm về sự biết ơn, từ đó trẻ sẽ tự nhiên làm theo.
Đừng quên rằng, “cảm ơn” và “xin lỗi” cũng là một cách tôn trọng con và dạy con tôn trọng cha mẹ. Qua cách được tôn trọng, con của chúng ta sẽ tự tin và trưởng thành hơn trong giao tiếp ứng xử.
Lan Phương