Bài cuối: Xử phạt nhiều nhưng thiếu hiệu quả
Thành viên đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đất Đỏ kiểm tra một nhà thuốc trên địa bàn huyện. Ảnh:TUẤN VŨ |
Thời gian qua, ngành y tế dù đã có nhiều nỗ lực quản lý hành nghề dược tư nhân, tuy nhiên hiệu quả quản lý chưa được như mong muốn, mức xử phạt chưa đủ sức răn.
LỰC LƯỢNG THANH, KIỂM TRA MỎNG
Việc xuất hiện ngày càng nhiều các nhà thuốc, quầy thuốc đã tạo thuận lợi cho người dân, song lại làm gia tăng sức ép lên công tác quản lý của ngành y tế. Theo thống kê của Sở Y tế, ngành y tế BR-VT đang quản lý 925 nhà thuốc và quầy bán lẻ được cấp phép kinh doanh thuốc chữa bệnh. Trong năm 2015, ngành y tế đã kiểm tra 555 cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, phát hiện xử phạt 169 cơ sở vi phạm, lỗi chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc (hoặc giấy đã hết hạn); kinh doanh các loại thuốc đã có thông báo thu hồi; người quản lý chuyên môn của cơ sở kinh doanh thuốc vắng mặt mà không ủy quyền hoặc ủy quyền không đúng quy định. Từ kết quả kiểm tra, ngành y tế đã đình chỉ hoạt động 2 cơ sở, xử phạt 61 cơ sở với số tiền 521 triệu đồng.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Sở Y tế, do lực lượng “mỏng”, công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược tư nhân chưa thường xuyên, tạo kẽ hở cho các cơ sở vi phạm. Thêm vào đó, các biện pháp xử lý, các mức xử phạt chưa đủ răn đe nên nhà thuốc vẫn “nhờn thuốc”, tiếp tục thực hiện bán thuốc không theo đơn và vi phạm các quy định khác.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lưu, Trưởng phòng Y tế TP.Vũng Tàu cho biết: “Thời gian qua, Phòng Y tế TP.Vũng Tàu đã yêu cầu tất cả nhà thuốc, quầy thuốc phải lưu lại đơn thuốc của bệnh nhân để kiểm soát việc bán thuốc theo đơn. Tuy nhiên, khi kiểm tra một số nhà thuốc chưa thực hiện tốt”. Cũng theo bác sĩ Lưu, trong quý 1-2016, Phòng Y tế TP.Vũng Tàu xử phạt 4 cơ sở kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với số tiền 23,75 triệu đồng.
Nhân viên nhà thuốc bán thuốc theo đơn của bác sĩ cho bệnh nhân tại nhà thuốc Vũng Tàu (đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu). Ảnh: MINH THIÊN |
CẦN QUẢN LÝ CHẶT CHẼ TỪNG KHÂU
Dù công tác quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh được thực hiện tương đối đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện; các văn bản quy phạm pháp luật, thông báo thuốc bị thu hồi được triển khai kịp thời; các phòng y tế cũng bám sát nội dung quản lý hành nghề dược tư nhân... tuy nhiên, những giải pháp nói trên chưa góp phần làm thay đổi cơ bản thực trạng hiện nay.
Tại Hội nghị tổng kết công tác Quản lý hành nghề y dược tư nhân, ngành y tế đã tiếp tục chỉ ra nhiều yếu kém trong công tác quản lý kinh doanh y dược tư nhân do Sở Y tế tổ chức cuối tháng 3-2016. Ngành Y tế khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra xử phạt; tái kiểm tra việc thực hiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt Nhà thuốc - GPP” (hiện nay 100% nhà thuốc được cấp phép trên địa bàn tỉnh đang đạt chuẩn này); tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền phổ biến các quy định về pháp luật trong việc lĩnh vực kinh doanh, buôn bán thuốc.
Theo các chuyên gia y tế, một giải pháp hiệu quả phải có sự phối hợp toàn diện giữa các ngành có liên quan và phải hướng vào các công việc cụ thể. Chẳng hạn, để kiểm soát việc “bán thuốc theo đơn” phải kiểm soát nghiêm số lượng thuốc nhập vào - bán ra, số đơn thuốc lưu tại nhà thuốc... Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần kiểm soát được tình trạng hàng hóa nhập khẩu, loại bỏ các mặt hàng thuốc chữa bệnh ngoại nhập “đội lốt” thực phẩm chức năng. “Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết được danh mục những thuốc nào bán theo đơn, có cảnh báo người dân những tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc không theo đơn bác sĩ, đồng thời hướng dẫn người dân khi có bệnh cần đến khám bệnh đâu và làm gì”, bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế nói.
Nhóm PV TS-CT
- Trong kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc đến năm 2020, có 6 nhóm hoạt động nhằm phòng chống kháng thuốc được Bộ Y tế đề cập, trong đó có giải pháp sử dụng thuốc hợp lý; giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc…Bộ Y tế cũng kêu gọi mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn, đồng thời tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị. Ngoài ra, việc định cấm mua bán thuốc không có toa của bác sĩ (đối với thuốc nằm trong danh mục phải kê đơn) cũng sẽ được đưa vào Dự thảo Luật Dược (sửa đổi).
- Theo khảo sát của Bộ Y tế, nhận thức về kháng sinh của người dân và người bán thuốc còn thấp. Hoạt động mua bán kháng sinh rất tùy tiện. Trong số 2.953 nhà thuốc được điều tra, số lượng hiệu thuốc bán kháng sinh không có đơn của bác sĩ chiếm hơn 88%...