.

Đồng đội

Cập nhật: 17:14, 24/05/2024 (GMT+7)

Anh Sinh hơn tôi ba tuổi, nhưng nhập ngũ cùng đợt với tôi. Đó là những năm tháng không quân Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc vô cùng ác liệt, tôi và anh được bổ sung về đơn vị pháo cao xạ 37 ly, thuộc Quân chủng phòng không - không quân.

Hai chúng tôi lại được biên chế về cùng một khẩu đội. Anh Sinh là pháo thủ số 5, đứng trên mâm pháo làm nhiệm vụ nạp đạn, mở khóa nòng trước khi nổ súng.

Đầu năm 1967 trung đoàn nhận nhiệm vào khu Bốn phục kích đánh máy bay Mỹ ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch đi chiến trường miền Nam. Tại đây, các pháo thủ cao xạ phải đương đầu với các loại máy bay phản lực hiện đại nhất của không quân, hải quân Mỹ mang biệt danh Chim ưng, Thần sấm, Con ma... Trận địa chúng tôi nhiều lần bị máy bay phản lực Mỹ bổ nhào đánh bom, bắn rốc két, thả bom bi sát thương… khói lửa mịt mùng. Đã có những đồng đội thương vong, nhưng các pháo thủ cao xạ vẫn hiên ngang trên mâm pháo nhằm thẳng quân thù mà bắn.

Trong trận đánh ngày 8/4/1968 ở ngã ba Tân Đức thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình, pháo thủ số 6 khẩu đội tôi bị thương nặng. Anh Sinh vừa đảm nhiệm vai trò pháo thủ số 5, vừa thay thế pháo thủ số 6 nhảy vào hầm vác cả thùng đạn lên mâm pháo để nạp đạn.

Cuối năm 1968, Mỹ tạm ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, tiểu đoàn tôi được lệnh kéo pháo về ngoại ô Hà Nội để kiện toàn biên chế, học tập và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thủ đô.

Đầu năm 1971, Tiểu đoàn cao xạ pháo 37 ly của chúng tôi nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, bấy giờ gọi là Bê hai. Tôi vẫn làm pháo thủ số 1 khẩu đội 4 do anh Sinh làm khẩu đội trưởng. Đúng thời điểm ấy Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh vào khu vực đường 9 - Nam Lào, nhằm cắt đứt tuyến giao thông từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn tôi được lệnh triển khai trận địa, tham gia chiến dịch đánh địch, hỗ trợ các đơn vị bộ binh tiêu diệt quân dù nếu chúng đổ bộ xuống thị trấn Xê Pôn.

Kết thúc chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tôi được giao nhiệm vụ hộ tống chuyến xe chuyển thương binh của tiểu đoàn về Trạm phẫu thuật tiền phương cách thị trấn Xê Pôn khoảng 50 km về phía Bắc. Đêm ấy địch dùng máy bay C.130 bay thấp, chiếu tia hồng ngoại theo các trục đường săn lùng các đoàn xe của ta. Trước khi tôi lên đường, anh Sinh ôm vai tôi bảo, đêm nay địch bắn phá dữ lắm, cố gắng trở về với khẩu mình nhé!

Tôi không ngờ chuyến đi ấy đã khiến tôi phải chia tay những người bạn chiến đấu thân thiết hơn 5 năm cùng trên mâm pháo đối đầu với các loại máy bay hiện đại của không quân Mỹ. Chuyến xe chuyển thương của tôi gần đến Trạm phẫu thuật tiền phương thì bị máy bay địch phát hiện, bắn cháy. Nhiều chiến sĩ trên xe hy sinh, tôi bị cháy bỏng, nhưng được lực lượng công binh bảo vệ cung đường cứu, đưa về Trạm phẫu thuật tiền phương, rồi chuyển ra miền Bắc điều trị.

Đất nước hòa bình thống nhất, nhưng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc lại diễn ra. Đồng đội của tôi người còn, người mất, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều bận bịu với cuộc sống đời thường.

Sau mấy chục năm công tác, tôi đã thuyên chuyển qua nhiều cơ quan, đã có thêm nhiều bạn bè, đồng nghiệp, nhưng những người bạn chiến đấu từng bên tôi trong những năm tháng đạn bom đã để lại trong tôi những ký ức sâu sắc không bao giờ quên.

TRẦN BÌNH

.
.
.