Trịnh Công Sơn-Khánh Ly: Hình bóng của một giấc mộng dài- Kỳ 2: Chân dung quán cà phê sân cỏ Sài Gòn

Thứ Sáu, 12/05/2023, 19:01 [GMT+7]
In bài này
.

BÀI LIÊN QUAN:

Quán Văn, tất nhiên được hiểu là nơi sinh hoạt văn nghệ có bán cà phê dành cho mọi người, nhưng đông nhất vẫn là cánh HS, SV, văn nghệ sĩ thành phố. Quán nằm sau lưng Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ngay góc đường Lê Thánh Tôn-Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) Q.1 được gọi là “Văn Khoa cũ”, vì về sau trường đại học này dời về đường Cường Để, nay là Đinh Tiên Hoàng, bên cạnh Đài Truyền hình gọi là “Văn Khoa mới”.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát ở quán Văn.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát ở quán Văn.

“Khánh Ly ra đời…”

Quán Văn được hình thành bởi sáng kiến của một nhóm anh em, bằng hữu gồm: Hà Tường Cát, Phan Văn Phùng, Phạm Phú Minh là những người phụ trách Chương trình phát triển sinh hoạt thanh niên học đường (CPS) một tổ chức quy tụ thanh niên, SV, HS có tinh thần phụng sự xã hội, nên được Bộ Giáo dục chế độ cũ giao cho quản lý luôn khu đất trống đầy cỏ dại nằm phía sau lưng Trường đại học Văn Khoa (mới vừa xây xong). Và chính Phạm Phú Minh là người có sáng kiến thành lập Hội quán Văn, biến khu đất trống đầy cỏ dại này thành nơi sinh hoạt cho thanh niên mà quán cà phê Văn làm nòng cốt.

Lúc ấy Hoàng Xuân Sơn được giao nhiệm vụ coi sóc quán Văn, trong nhóm CPS này gồm có: anh em Hoàng Xuân Sơn-Hoàng Xuân Giang, Nguyễn Huỳnh, Ngô Vương Toại, Cao Sơn, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn… Họ gắn bó, sinh hoạt với nhau như anh em một nhà, cùng xây dựng quán Văn và thường ăn ngủ tại đó. Trịnh Công Sơn là bằng hữu của nhóm này và sau những ngày tháng lãng du, chàng nhạc sĩ họ Trịnh đã về “đóng đô” tại đây, nghiễm nhiên được xem là một thành viên sáng lập quán Văn.

Để có kinh phí “nuôi quân”, quán Văn bán cà phê suốt những ngày, đêm trong tuần và vào mỗi tối cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật có sân khấu ca nhạc để trình diễn văn nghệ. Nói sân khấu chứ thật ra chỉ là một bãi cỏ trong khoảng sân rộng trước quán cà phê Văn. Người viết còn nhớ quán Văn xây dựng rất sơ sài, mái lợp tôn, vách bằng cót ép, bàn ghế thấp, trang trí cũng rất văn nghệ kiểu tuỳ hứng, cách điệu.

Vị trí đẹp nhất của quán là quầy thu tiền có cô thu ngân xin đẹp tên Nhuệ Giang mặc áo dài màu vàng ngồi trên ghế cao, trước mặt luôn có một bình hoa màu tím được thay hàng đêm, nhưng dù hoa gì cũng duy nhất một màu tím.

Cô thủ quỹ xinh đẹp thường mặc áo dài vàng có cái tên giống như thơ  này đã khiến rất nhiều anh chàng sinh viên tới uống cà phê để “trồng cây si” người đẹp áo vàng trước bình hoa tím, trong số đó có nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (đã mất do bạo bệnh). Chính Nhuệ Giang và bối cảnh dễ thương, không khí văn nghệ sinh động của quán Văn đã tạo cảm hứng cho Hoàng Ngọc Tuấn viết  truyện ngắn nổi tiếng “Ở một nơi ai cũng quen nhau” mà Nhuệ Giang là nhân vật chính của câu chuyện tình lãng mạn này.

Nếu tính từ thời điểm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp ca sĩ Lệ Mai ở hộp đêm nổi tiếng Tulipe Rouge (Hoa tulipe hồng) tại TP.Đà Lạt vào năm 1964 rồi chia tay, tới cuộc tái ngộ vào buổi chiều nắng đẹp ở Sài Gòn vào năm 1967 thì khoảng cách thời gian của cuộc chia tay và gặp lại rất tình cờ là 3 năm. Còn nếu tính thời gian Khánh Ly hát trên sân khấu phòng trà ca nhạc Anh Vũ rồi rời bỏ Sài Gòn về Đà Lạt thì khoảng cách thời gian-không gian là 6 năm. Trong cả hai khoảng thời gian-không gian đó ở hai con người có hai số phận khác nhau này đều có những thay đổi, biến chuyển theo dòng đời và mỗi bước đi của lịch sử.

Trở lại buổi chiều êm ả của Sài Gòn khi Trịnh Công Sơn gặp Lệ Mai sau bao năm xa cách ở góc đường Lê Thánh Tôn-Công Lý nối tiếp lại cuộc gặp định mệnh ở Đà Lạt, lần này nhạc sĩ họ Trịnh lại mở lời mời Lệ Mai ở lại Sài Gòn đi hát với anh. Hát ở đâu? Trịnh Công Sơn dẫn Lệ Mai vào Hội quán Văn uống cà phê và bàn cho đêm diễn đầu tiên của cặp đôi “du ca” Trịnh Công Sơn-Khánh Ly trên sân cỏ ngay trước cửa quán.

Lệ Mai nhìn quanh, cả một không gian và mảnh đất trống, không có sân khấu. Nhưng Trịnh Công Sơn thuyết phục nhạc phong trào thì cần gì sân khấu, chỉ cần người ôm đàn, người đứng hát và khán giả tiềm năng là hàng ngàn thanh niên, SV, HS sẽ tới đây vừa uống cà phê vừa nghe nhạc. Nghe nhạc sĩ họ Trịnh hào hứng thuyết phục, thấy cũng hợp gu với mình Lệ Mai gật đầu.

Ngay lập tức anh em quán Văn dựng lên một tấm pano quảng cáo bằng vài dòng “đại tự” viết trên tờ giấy báo khổ 1m x 65cm, đại loại: “Tối nay tại sân cỏ quán Văn, ca sĩ Khánh Ly và Trịnh Công Sơn trình diễn những ca khúc mới nhất, vào cửa tự do”. Tức là, cũng chính buổi tối ấy khi trở lại Sài Gòn, Lệ Mai, con chim sơn ca của núi rừng cao nguyên Đà Lạt đã có nghệ danh mới: Ca sĩ Khánh Ly.

“Nữ hoàng sân cỏ” - “Ca sĩ chân đất”

Để có một không khí hoàn toàn mới trong một không gian mới cho quán Văn và con chim sơn ca núi đồi Đà Lạt xuất hiện nên thay vì lấy tên ca sĩ Lệ Mai, anh em quán Văn, Trịnh Công Sơn và Lệ Mai nhất trí dùng tên Khánh Ly để “lên” pano quảng cáo. Tối đó không cần bán vé, chỉ tăng tiền cà phê và tăng… ghế ngồi không cần bàn. Những chiếc ghế ngồi hình vuông bằng gỗ, thấp lè tè với một khoảng đất trống đầy cỏ không cần dựng sân khấu “hoành tráng” rất phù hợp với kiểu ngồi dã chiến vừa uống cà phê vừa nghe nhạc mà những chiếc ghế vuông, thấp vừa dùng làm ghế ngồi vừa làm bàn đặt vài ly cà phê cho một đôi tình nhân hay nhóm bạn ngồi vòng quanh thì không còn gì “tận dụng khoảng trống” hơn.

Khánh Ly là nghệ danh của Nguyễn Thị Lệ Mai. Nó mang ý nghĩa gì? Khánh Ly là tên được ghép lại từ tên hai nhân vật lẫy lừng trong bộ “Đông Chu Liệt Quốc”, hai người này là Khánh Kỵ và Yêu Ly, bỏ chữ cuối tên đầu, lấy chữ cuối tên sau thành ca sĩ Khánh Ly. Anh em quán Văn mà nhất là Trịnh Công Sơn đưa ra ý kiến và một cái tên mới thay cho tên thật Lệ Mai khá thuyết phục. Lệ Mai khen “hay lắm”. Thế là từ một tối hội ngộ ở quán Văn trên vòm trời ca nhạc sẽ có một con chim sơn ca giọng không lãnh lót mà khàn khàn, đục đục, nhừa nhựa, một vài chữ phát âm hơi đớt đớt không “đụng hàng”  làm người nghe giọng hát đặc biệt ấn tượng đến phát ghiền xuất hiện. Đó là ca sĩ Khánh Ly.

Ngay khi có nghệ danh Khánh Ly, chị và chàng nhạc sĩ họ Trịnh bắt tay vào tập các ca khúc mới sáng tác của Trịnh Công Sơn, những ca khúc này là sự kết hợp giữa tình ca và “phản chiến”, Trịnh Công Sơn ôm cây guitar thùng cũ kỹ đã theo anh suốt những ngày lãng du từ Huế-Sài Gòn-Bảo Lộc-Đà Lạt rồi lại trở lại Sài Gòn lúc nào cũng dựng ở góc quán Văn. Khánh Ly say sưa hát: Diễm xưa, Tình nhớ, Tình sầu, Tình xa, Ưới mi, Thương một người, Như cánh vạc bay, phôi pha… chuyển qua Đại bác ru đêm, Ca dao mẹ, Xin mặt trời ngủ yên, Người con gái việt Nam da vàng, Ngày dài trên quê hương, Gia tài của mẹ…

Tối đó là một tối không thể ngờ, cả một rừng người ngồi phía dưới hướng mắt lên sân cỏ. Anh em quán Văn có sáng kiến  dựng sân khấu cơ động bằng cách lấy những thùng gỗ đựng bia đâu lại với nhau thành một cái sân khấu hình vuông vừa đủ chỗ đứng cho Khánh Ly, còn Trịnh Công Sơn không cần sân khấu, anh ôm đàn cây đàn thùng đứng dưới cỏ đệm cho Khánh Ly hát. Từ lúc 7 giờ tối, khách đã kéo tới ngồi dài từ trong ngôi quán nhỏ hẹp ra tận sân cỏ, mỗi người một tách cà phê, ly đá chanh, chai nước ngọt… anh em quán Văn bưng bê, chạy bàn phục vụ khách mệt xỉu.

Cô thủ quỹ xinh đẹp Nhuệ Giang áo dài vàng, sau bình hoa tím ngồi trên quầy cao thu tiền cũng mệt xỉu. Đúng 8 giờ chương trình bắt đầu, Khánh Ly bước ra sân cỏ trong chiếc áo dài trắng, mang guốc cao gót y như một nữ sinh trung học. Năm đó cô 20 tuổi, cao vừa, vai gầy guộc, gương mặt trang điểm nhẹ, tóc dài xõa vai, đôi mắt to, sâu đen thăm thẳm. Trịnh Công Sơn tóc dài, bồng bềnh phủ gáy, kiếng cận gọng đồi mồi quen thuộc, đóng thùng, áo sơ mi tay dài rộng thùng thình cố hữu, quần jeans xanh bụi bặm một nét rất đặc trưng của phong cách ăn mặc Trịnh Công Sơn thời đó. Anh rất gầy gò, nghệ sĩ từ tâm hồn ra tới hình hài.

Sau mấy dòng “phi lộ” của MC, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn giới thiệu Khánh Ly và Trịnh Công Sơn khởi đầu cho những đêm văn nghệ cuối tuần đặc biệt của quán Văn, tiếng vỗ tay rào rào không ngớt nổi lên từ khán giả, mà số đông chỉ biết nhiều về Trịnh Công Sơn chứ chưa biết mấy về Khánh Ly nhưng bầu không khí về đêm của mảnh đất trống trước mặt quán Văn trong khuôn viên phía sau trường đại học Văn Khoa Sài Gòn đã được hâm nóng lên thành một mồi lửa. Hoàng Xuân Sơn giới thiệu ngắn gọn rồi bước xuống, Khánh Ly trong chiếc áo dài trắng nữ sinh nhẹ nhàng vịn vai Trịnh Công Sơn bước lên sân khấu đứng sau micro có chân đứng cao. Ca khúc “Diễm Xưa” được mở đầu cho phần một: “Tình ca”.

Với tiếng đệm đàn quen thuộc của nhạc sĩ họ Trịnh. Khi ca sĩ Khánh Ly cất giọng: “Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thủa mắt xanh xao…”, cả mấy trăm khán giả ngồi chật bên dưới im phăng phắc. Sau mỗi bài hát là tiếng vỗ tay vang lên để tiếp thêm lửa và khi Trịnh Công sơn chuyển tiếng đệm đàn qua phần nhạc “phản chiến” với bài “Đồng dao hòa bình” giai điệu sôi nổi và Khánh Ly cất giọng ca thì gần như sân cỏ của quán Văn như bị đốt cháy.

Khánh Ly hát liên tục hết bài này đến bài khác, hát say sưa và phấn khích đến nổi cô bỏ guốc bước hẳn xuống sân cỏ khi tiếng đệm đàn của Trịnh Công Sơn bị tiếng vỗ tay “át giọng” chỉ còn âm vang giọng hát Khánh Ly với tiếng vỗ tay sôi động làm nhịp. Có bài Khánh Ly phải hát tới lần thứ 8 theo yêu cầu của khán giả mà không khí vẫn còn ngùn ngụt. Từ đêm hát như thế, khán giả đã đặt cho Khánh Ly biệt danh “Nữ hoàng sân cỏ” hay “Ca sĩ chân đất”.

(Còn tiếp)

TỪ KẾ TƯỜNG

;
.