Mỗi gia đình, cơ quan, khu dân cư đều hình thành không gian văn hóa đọc… là kỳ vọng của chính quyền TP. Vũng Tàu để phát triển văn hóa đọc đến với từng người dân.
Phụ huynh chọn mua sách cho con tại Đường sách Vũng Tàu. |
Vốn yêu thích sách, chị Võ Thị Thủy (ngụ TP. Vũng Tàu) tạo cho gia đình tủ sách gia đình và dành thời gian để các thành viên trong nhà cùng đọc sách. Tủ sách gia đình chị Thủy có hơn 200 đầu sách, được sắp xếp gọn gàng, thuận tiện. Chị kể, lúc con trai Phan Khôi Nguyên của chị còn nhỏ chưa đọc được sách, chị kiên trì đọc sách cho con nghe và xem sách có ảnh sinh động. Đến nay, cậu bé Phan Khôi Nguyên đã học lớp 2 và có thói quen đọc sách mỗi ngày.
Bé Phan Khôi Nguyên nói: “Mẹ thường mua nhiều sách thiếu nhi với nhìn hình vẽ, nội dung đẹp mắt để con đọc. Con cũng thường đọc sách ở lớp vào giờ nghỉ giải lao, ở nhà và các ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật. Con thấy sách là một người bạn giúp con biết thêm nhiều những vùng đất, những con sông và những công trình vĩ đại,… mai này con lớn lên con sẽ tới thăm nơi đó”.
Không chỉ khuyến khích đọc sách trong nhân dân mà ngay từ năm 2017, TP. Vũng Tàu đã phát động mỗi cơ quan, đơn vị bố trí phòng đọc sách. Và đã có 44 tủ sách tại các cơ quan, đơn vị ra đời. Bên cạnh đó, phong trào “Vận động đảng viên tình nguyện tham gia xây dựng tủ sách chi bộ” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động năm 2019 đã được Thành ủy Vũng Tàu triển khai tại tất cả khu phố, thôn trên địa bàn.
Đến nay đã có 190 tủ sách được xây dựng, phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức của đảng viên và người dân địa bàn cơ sở. Đặc biệt, Đường sách Vũng Tàu ra đời năm 2018 khu vực công viên Quang Trung (Bãi Trước, TP.Vũng Tàu) không gian đẹp - với nhiều tiện ích, cũng là cách thành phố trân trọng sách, khơi dậy niềm yêu sách trong mỗi người dân và du khách. Đường sách gồm 19 quầy, trong đó có 2 khu cà phê sách, 6 gian hàng văn hóa tổng hợp, 11 quầy sách của những nhà xuất bản, nhà sách uy tín cùng nhiều tiện ích phục vụ người đọc như ghế ngồi, cây xanh, chiếu sáng.
TP. Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học đều có thư viện với vốn tài liệu phù hợp; 80% HS và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện; 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời. Mỗi người dân thành phố trung bình đọc từ 5 cuốn sách/năm trở lên. |
Anh Nguyễn Thanh Bình (phường 3, TP. Vũng Tàu) cho hay: Không gian văn hóa đọc tại Đường sách Vũng Tàu tạo nên hình ảnh đẹp, văn minh cho thành phố. Vũng Tàu không những là thành phố dành cho du lịch mà còn rất yêu sách, phát triển về văn hóa đọc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu chia sẻ, thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mỗi năm, thành phố đều bố trí kinh phí bổ sung hơn 2.000 đầu sách cho thư viện thành phố và cho các tủ sách chi bộ. Hàng năm, Trung tâm VH-TT-TT thành phố phối hợp với các trường học tổ chức ngày hội đọc sách; luân chuyển khoảng 6.000 đầu sách cho các tủ sách trường học trên địa bàn.
“Xây dựng hình ảnh con người Vũng Tàu văn hóa, văn minh, thân thiện được Đảng bộ, chính quyền thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình xây dựng, phát triển. Thành phố cũng đang phối hợp với Trường ĐH KHXHNV TP. Hồ Chí Minh để xây dựng Đề án xây dựng phát triển văn hóa, con người TP. Vũng Tàu phát triển bền vững thịnh vượng trong tương lai, trong đó, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là nền tảng quan trọng hàng đầu”, bà Nguyễn Thị Thu Hương bày tỏ.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG