Ký ức tuổi thơ

Thứ Sáu, 06/05/2022, 20:46 [GMT+7]
In bài này
.

Nếu sau này Bi lớn Bi muốn làm gì? Em muốn xây một lâu đài thật là to, to ơi là to để sáu đứa chúng mình sẽ cùng vào ở. Như thế mình sẽ được chơi với nhau mỗi ngày phải không chị? Đúng rồi em, như thế mỗi ngày mình sẽ được gặp nhau, rất nhiều, rất nhiều…

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Con người ai cũng có những tuổi thơ, tạo thành những nếp gấp êm đềm trong tâm trí, những nếp gấp ấy mắc lại ở một khúc nào đó trong kí ức, để rồi khi có ai đó vô thức chạm vào, nó sẽ bùng nổ vô cùng mạnh mẽ như những đợt sóng. Những cơn sóng ấy sẽ lan vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn, đánh thức những giọt lệ còn đang say ngủ, thức dậy để tuôn trào.

Tôi cũng có một tuổi thơ như thế, tuổi thơ bên những chị em họ của mình, những người mà cho tới giờ tôi vẫn thấy là những mối duyên mà cuộc đời đưa đẩy không dễ gì có được. Sáu đứa chúng tôi là những đứa cháu đầu tiên trong đại gia đình nhà ngoại, phải rất lâu sau, những đứa cháu khác của ngoại mới cất tiếng chào đời nên chúng - so với chúng tôi chênh lệch rất nhiều tuôi và có thể nói cũng chính vì thế lúc nào chúng tôi cũng quấn quýt bên nhau.

Chi và Quy là hai chị lớn nhất, con của dì Ba, tới tôi và nhóc Mon, cuối cùng là hai nhóc Linh và Liêm, con dì Năm. Chúng tôi lớn lên bên nhau qua những mùa hè nóng cháy và những tình cảm ấm nồng vốn có của miền quê, độ tuổi cũng sàng sàng nhau nên những câu chuyện cũng khiến chúng tôi thiết thân qua năm tháng.

Tuổi thơ của chúng tôi là tuổi thơ với những triền cát trắng, với những buổi tắm sông, những hôm theo ông ngoại đi chăn vịt và cả những lúc ôm nhau ngủ mê mệt sau những chuyến đi dài. Trong vô thức, khi mở mắt ra mỗi sáng ngày, tôi đều thấy họ, bởi lẽ ngày đó, nhà ngoại và nhà dì cậu đều ở san sát nhau thành một khối, nên chỉ cần mở mắt ra là chúng tôi đã tìm nhau, chỉ khác chăng ở trường đứa này đứa kia, chia ra thành từng lớp. Tôi yêu màu cát trắng. Đó là nơi sáu cô bé hào hứng nói với bà ngoại:

- Hôm nay lũ con sẽ xung phong mang cơm cho ông ngoại, bà ngoại cứ ở nhà đợi tin tốt của lũ con.

Lúc ấy bà ngoại lại cười phì phì:

- Gớm tụi bây. Cái chi mà mang cơm cứ như đi oánh giặc, tin tốt với chả tin xấu.

Thế nhưng ngoại cũng thảo tay xới cơm thật nhanh cho đám trẻ hãy còn đang hăng hái. Nhưng bữa nào mà tụi tôi thì chắc hẳn bữa ấy ông sẽ đói vì ngoại sợ chúng tôi mang nặng nên thể nào cũng xới ít. Sẽ chẳng quên được lúc cát trắng bay tít mù, đám trẻ vẫn bấm chân xuống đất miệng cứ bảo nhau: “Sắp tới rồi, sắp tới rồi”, chẳng khác chi ngoại nói, cứ như đang đương đầu đánh giặc vậy. Còn nhớ có bận cũng là mang cơm cho ngoại, lúc ngoại ăn cơm, cả đám kéo nhau lên cái ghe đòi đua, phỉ phui thế nào cái ghe lật nhào té ùm xuống nước, suýt chết. Ông ngoại chưa kịp mắng thì cả đám đã ôm nhau khóc tu tu, mếu máo:

“Tụi con tưởng chết rồi chứ. Chết rồi thì sao mà gặp ngoại được nữa”. Thế là ngoại bật cười chẳng nỡ xuống tay.

Ngày còn bé, đại gia đình chúng tôi rất thích đi chơi cùng nhau. Thuở ấy cái cub 86 còn là đế vương, mỗi gia đình nhỏ là chất ba, chất bốn đèo nhau trên một chiếc xe, các dì các cậu chưa vợ chưa chồng, còn nhỏ thì lại cùng đèo nhau trên xe khác, cứ thế cả gia đình ngoại cùng nhau đi chơi, cũng chỉ là những nơi gần thôi nhưng cả gia đình bên nhau thì hóa niềm vui là tất cả. Thi thoảng lần dở những bức hình đã bám bụi thời gian, tôi vẫn hay phì cười. Có khi đó là lúc sáu đứa chúng tôi cheo leo trên một tảng đá to, ở chùa Hang cho các dì thì nhau chụp ảnh. Khi thì chúng tôi thi nhau ăn đậu hũ nóng đến phỏng cả miệng rồi ngồi khóc đổ tất cả lỗi cho chị Chi, và chị, cứ như một chị lớn, miễn cưỡng nhận lỗi về mình. Trong những kí ức nhập nhoạng, tôi hay nghĩ về những bãi biển, những quả thông nhỏ xíu, những chén đậu hũ thơm thơm nóng nóng, mà đứa nào cũng ăn vội chưa tận hưởng hết vị ngon.

- Chị ơi, dì Chín đã đi lấy chồng rồi, có khi nào chị cũng đi lấy chồng rồi bỏ tụi em ở lại không? - Nhóc Linh ngây ngô hỏi chị Chi, nhưng câu nói đó cũng làm cả lũ thành nút thắt.

- Không đâu, chị đi rồi thì ai sẽ lo cho mấy đứa, ai sẽ chơi cùng mấy đứa? Đâu phải ai cũng chịu được lũ quỷ bây.

Và chẳng hiểu vì sao tụi tôi lại lấy đó làm hãnh diện. Thế nhưng bẵng đi ít lâu chị đi lấy chồng, lấy chồng đương độ tuổi khá sớm bỏ lại cả lũ chúng tôi vẫn còn ngơ ngác nhìn với lời hứa năm nào giờ phút chốc bỗng trở thành một khoảng không màu trắng. Cái Linh, Liêm và nhóc Mon đứng khóc tu tu một cách vẩn vơ, tôi ngơ ngác nhìn còn chị Quy, có lẽ là người buồn nhất khi phải xa chị ruột của mình để tiễn người về một miền xa xứ. Cái Linh đánh bồm bộp vào tay cô dâu trong tà áo đỏ:

- Chị đã hứa mà, chị đã hứa mà.

Chị chỉ cười trong nỗi buồn nào đó giấu yên không rõ, còn tụi tôi, ôm nhau khóc đến độ trăng tàn. Và rồi chị đi, tất cả bỗng trở thành kí ức buồn, nhưng trẻ con mà, quên mau theo năm tháng, chúng tôi còn năm người. Chị Quy bỗng chốc lên ngôi thành chị cả. Tuổi thơ nhanh chóng được lấp bởi những phút êm đềm và cũng vô cùng dữ dội. Tôi chẳng thể quên được ngày lũ nhỏ xóm bên ăn hiếp nhỏ Linh, hôm ấy tôi bận đi học. Vừa về tới nhà, đã thấy bốn người còn lại: Linh đang đứng khóc tu tu, miệng cứ luôn: “Đừng đánh nữa chị ơi, chị đau rồi kìa, đau rồi kìa”. Tay em nắm chặt tay chị Quy đang ngồi phịch dưới nền nhà, tóc tai, mặt mũi đầy vết cào cấu. Mon và Liêm đang thở hì hục, tôi vội quát:

- Đánh nhau đấy à? Đừng nói với em là đánh nhau đấy nhé?

Lúc này Liêm và Mon mới òa khóc ôm lấy tôi, còn chị Quy vẫn mím chặt môi, ngồi im bất động, tôi thấy chị như đang chịu đựng lắm vậy. Lúc này, tôi lại chỗ chị, ôm lấy chị:

- Chị à, chị đau lắm phải không? - Thì chị òa lên khóc như trẻ con. Ừ nhỉ, chị vẫn là trẻ con mà, chỉ có điều, chị đang cố gồng mình chịu đau vì giờ mình là chị cả, là “chị” của cả đám chúng tôi mà thôi. Và có lẽ hôm ấy người lớn trong nhà cũng chẳng hiểu tại sao năm đứa lại ôm nhau mà khóc như vậy.

Tôi lên cấp ba hạnh phúc mối tình đầu, đêm của chị em tôi trở thành những hôm ôm những con gấu nhỏ ra trước khoảng hiên mát mẻ nằm ngắm trăng:

- Thế là Ga đã yêu rồi đấy.

- Yêu rồi, yêu rồi, chị Ga mà yêu rồi thì có bỏ tụi em hông?

- Bỏ thế nào được, tinh tướng, vớ vẩn.

Nhưng mối tình đầu thường khó vẹn toàn, lúc kết thúc nước mắt tôi chẳng tuôn mà lũ nhỏ thì ôm tôi khóc ra rả. Tôi còn nhớ ngày đó, khi tôi về nhà, chỉ vỏn vẹn một câu:

- Kết thúc rồi, về lại độc thân nhé.

Cả đám ngơ ngác nhìn tôi. Bỗng Liêm, con bé nhỏ nhất chìa ra cho tôi mấy quả vả vừa hái trộm được đằng vườn nhà bà Ngọc:

- Vả em vừa hái, cho chị tất, chấm muối ớt thì chỉ có tuyệt cú chị ơi.

- Bây cho chị Ga vải làm gì, chị ăn mấy quả chùm ruột này nè, ăn cái này mới nhất cú chị ạ.

Nhìn chúng nó tranh giành nhau an ủi tôi, chị Quy lại vỗ vỗ vai tôi, tôi bật cười quên cả nước mắt. Thế nhưng bẵng đi mấy năm, gia đình dì Năm chuyển lên phố ở, bé Linh, bé Liêm cũng gạt nước mắt chào lũ chúng tôi mà đi, tuổi thơ bỗng chốc trở thành những vết chấm màu đỏ trong cuộc đời tụi nó. Tôi buồn hiu hắt với những gì còn lại, thấy trong lòng có những kí ức khó quên, cứ tự đi tìm những câu trả lời cho riêng mình mà chẳng rõ…

Rồi tôi cũng lớn, bôn ba trước sóng gió cuộc đời, thời gian còn lại chẳng mấy khi ở nhà, về quê thì chỉ còn là những lần đếm trên đầu ngón tay. Đám cưới chị Quy, ở xa, chẳng ai trong chúng tôi dự được, chỉ gửi cho nhau những lời chúc, những phong thư dạt dào nỗi nhớ. Nay vì rỗi, tôi về quê, trên con đường làng ngày ấy chỉ còn có mỗi tôi đang cô độc bước tiếp, tôi chợt nhớ tới chị Chi, chị Quy, bé Linh, Liêm và cả nhóc em của tôi. Chắc giờ này những người ấy, dù ở phương nào cũng sẽ chẳng thể nào quên được tuổi thơ đầy ấm áp ngọt ngào và chắc cũng như tôi, bất giác một phút nào đó, sẽ chợt nhớ nhau?

Truyện ngắn của LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

;
.