Chuyện gieo chữ ở lớp học đặc biệt

Thứ Tư, 04/05/2022, 14:37 [GMT+7]
In bài này
.

“Hôm nay thời tiết thất thường, lúc nắng, lúc mưa, nhưng trong lòng mình rất vui. Mình đã đi tìm, vận động được thêm 5 em học sinh tới lớp. Mừng lắm. Ông trời không phụ lòng người”.

Câu chuyện thầy Lương Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thắng, TP. Vũng Tàu chia sẻ trên trang facebook cá nhân tối 3/5 về hành trình phổ cập giáo dục chương trình THCS cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đã nhận được nhiều lời khen ngợi.

Đi từng ngõ, gõ cửa từng phòng trọ

8 giờ 30 sáng, sau khi kết thúc 2 tiết học đầu trên lớp chính quy, thầy Lương Hữu Phương và cô Doãn Thị Nhài (GV bộ môn Hóa) lại bắt đầu chuyến đi vận động học sinh ra lớp cho chương trình phổ cập giáo dục. Công việc này được các thầy cô của trường duy trì hơn 1 tháng qua.

Thầy Phương và cô Nhài (bìa phải) đến nhà, động viên em Vũ Như Quỳnh đi học.
Thầy Phương và cô Nhài (bìa phải) đến nhà, động viên em Vũ Như Quỳnh đi học.

Cuối tháng Tư, trời nắng như đổ lửa, thầy Phương thỉnh thoảng lại dừng xe, kiểm tra địa chỉ của học sinh vì lạc vào con hẻm sâu hun hút không tìm được lối ra.

“Phần lớn các em đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em theo cha mẹ từ nơi khác đến. Cha mẹ lao động tự do, không có thời gian quan tâm đến việc học tập của con. Nếu không vận động, các em nản, bỏ học, sau này sẽ mất cơ hội học nghề. Thương các em, nên dù phải đi lại nhiều lần, chúng tôi vẫn không bỏ cuộc”, thầy Phương chia sẻ.

Địa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến là căn phòng trọ trên đường 30/4 của gia đình em Vũ Như Quỳnh, HS lớp 8. Thật may mắn khi chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền, mẹ Quỳnh có nhà. Chị Tuyền hơi bối rối khi thấy thầy cô đến, căn phòng chỉ hơn 10 mét vuông, nóng hầm hập.

- Sao dạo này con không đi học hả Quỳnh? - cô Nhài hỏi. 

- Con học không vô, với lại, con sắp đi Bình Dương làm phụ quán rồi, Quỳnh đáp.

- Lên Bình Dương phụ quán, thu nhập chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, lại phải xa gia đình, trả tiền phòng trọ, ăn uống thì có đủ sống không con? Giờ nghe thầy, con đến lớp, làm bài kiểm tra là xong chương trình lớp 8, học thêm mấy tháng nữa, xong chương trình lớp 9. Lúc đó, con có thể học một nghề phù hợp. Ra trường có việc làm liền, thầy Phương phân tích.

Quỳnh ngồi im lặng lắng nghe. Cô bé có gương mặt sáng, dáng cao ráo, mong muốn được học nghề du lịch. Chị Tuyền kể, vợ chồng chị quê ở Đồng Tháp, đến Vũng Tàu làm nghề phụ hồ. Con trai lớn của chị bỏ học khi mới lớp 7, giờ đến bé Quỳnh đang học bổ túc văn hóa cũng đã tự ý nghỉ học nhiều tháng qua và thường xuyên đi chơi với bạn bè. Khuyên nhủ con không được, ban ngày, khi đi làm, vợ chồng chị khóa cửa, nhốt Quỳnh trong nhà.

Sau hơn nửa tiếng trò chuyện, động viên, Quỳnh hứa buổi tối sẽ đi học lại, các thầy cô tiếp tục tìm đến nhà HS khác.

Sau khi được thầy Phương động viên, em Lương Văn Hiếu (thứ 2 từ trái qua) đã trở lại Vũng Tàu, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục.
Sau khi được thầy Phương động viên, em Lương Văn Hiếu (thứ 2 từ trái qua) đã trở lại Vũng Tàu, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục.

Nhà của em Lương Văn Hiếu nằm sâu trong con hẻm 67, đường Bắc Sơn, phường 11. Ba mẹ li dị, Hiếu và em gái ở với ông bà ngoại. Ông bà không nghề nghiệp, nhưng vẫn đùm bọc các cháu. Hiếu đang học phổ cập giáo dục lớp 9. Bốn tháng trước, em bỏ học, ra Hà Nội làm phụ xe. Sau nhiều lần tìm đến nhà ông bà ngoại Hiếu, thầy Phương đã liên lạc được với em, trò chuyện, thuyết phục Hiếu trở lại lớp.

“Đi làm, mức lương của em là 12 triệu đồng/tháng. Nhưng nghe thầy phân tích, em chỉ còn ít ngày nữa là học xong chương trình lớp 9, có bằng THCS. Lúc đó, em có thể theo học nghề tài xế xe tải, sau này có công việc ổn định, không phải đi phụ xe mãi. Em suy nghĩ một ngày và quyết định xin tạm nghỉ làm, trở lại lớp học”, Hiếu chia sẻ.

Hơn 11 giờ trưa, thầy Phương và cô Nhài đã đến được nhà của 6 HS. Qua sự phân tích và động viên của thầy, các em đều đồng ý trở lại lớp. “Cả tháng qua, chúng tôi đã vận động được hơn 10 em trở lại lớp. Một số em không liên lạc được do chuyển phòng trọ hoặc theo gia đình đi nơi khác sinh sống, chúng tôi đành chịu”, thầy Phương nói, giọng tiếc nuối.

Hệ phổ cập giáo dục của Trường THCS Phước Thắng có 3 lớp (lớp 6, 7 học ghép). Tổng số HS là 81 em, trong đó có 40 HS lớp 9. Hằng năm, số HS theo học nghề của trường khá cao. Chẳng hạn năm 2021, có 47 HS Trường THCS Phước Thắng nộp hồ sơ học nghề tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT, trong đó hơn 1/3 là HS phổ cập giáo dục.

Chắp cánh ước mơ

Lớp phổ cập giáo dục của Trường THCS Phước Thắng được duy trì hơn 20 năm qua. Mỗi tối, từ 19 đến 21 giờ, các em HS đủ lứa tuổi lại đến trường. Thời điểm vắng nhất, các lớp chỉ duy trì được khoảng 50 em HS (từ lớp 6 đến lớp 9), còn khi đông nhất, có hơn 100 em. Phần lớn các em có hoàn cảnh khó khăn, éo le, ban ngày đi làm, buổi tối đi học.

Cô Đặng Thị Nga chia đôi tấm bảng, giảng môn Văn học cho các em HS lớp 6, 7.
Cô Đặng Thị Nga chia đôi tấm bảng, giảng môn Văn học cho các em HS lớp 6, 7.

Học sinh phổ cập giáo dục của nhà trường được miễn hoàn toàn học phí, được tặng SGK, tập vở, đồ dùng học tập. Hằng năm, nhà trường còn vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tặng quà, động viên các em.

Để duy trì các lớp học, giáo viên phải thu xếp việc nhà, vừa dạy học, vừa là nhà tư vấn tâm lý để lắng nghe, trò chuyện, động viên HS.

Tâm sự với chúng tôi, các thầy cô chia sẻ, nhiều lúc cũng thấy nản khi HS nghỉ học quá nhiều. Nhưng rồi, tình thương, trách nhiệm của người thầy lại níu chân các thầy cô, giúp họ tiếp tục gắn bó, duy trì lớp.

Cô Nguyễn Thị Lý đã có 3 năm dạy Lịch sử cho HS lớp phổ cập giáo dục. Ban ngày làm công tác chuyên môn ở trường, buổi tối, đều đặn mỗi tuần 4 buổi, cô dành thời gian lên lớp với các em.  

Cô Lý là một trong 9 GV của trường đang dạy các lớp phổ cập giáo dục. Mỗi ngày, niềm vui của các thầy cô là khi lên lớp thấy đủ học trò. Bữa nào điểm danh thiếu HS, các thầy cô lại thay phiên nhau đến nhà tìm các em.

Thầy Lương Hữu Phương về nhận nhiệm vụ giảng dạy tại trường từ năm 2000, cũng là chừng đó năm, thầy phụ trách các lớp phổ cập giáo dục. Tâm huyết, tận tâm với học trò nên thầy nhớ được hoàn cảnh, sở thích, sở trường của từng em.

Hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, chị Nguyễn Thị Chi được nhà trường tư vấn đi học nghề cắt tóc và hiện là một thợ cắt tóc lành nghề ở phường 11.
Hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, chị Nguyễn Thị Chi được nhà trường tư vấn đi học nghề cắt tóc và hiện là một thợ cắt tóc lành nghề ở phường 11.

“Em Đào Quốc Huy sau khi nghỉ học 4 năm đã quay lại và đang hoàn thành chương trình lớp 9. Em Bùi Thị Ngọc có mẹ mất vì COVID nên đã nghỉ học gần 1 năm, giờ cũng trở lại học và theo đuổi ước mơ trở thành đầu bếp chuyên nghiệp. Hai anh em ruột Hứa Minh Sang, Hứa Mộng Ngọc có mẹ li dị, các em đang nghỉ học vì nhà xa...”, thầy Phương kể.

Mỗi em HS là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là khó khăn. Vì vậy, thầy cô trong trường luôn động viên nhau cố gắng bám lớp, giúp các em có tấm bằng THCS để có thể học nghề, sau này có việc làm ổn định, thay vì bươn chải với đủ thứ nghề làm thuê với công việc và thu nhập bấp bênh.

Nhiều em HS lớp phổ cập giáo dục sau khi tốt nghiệp đã được trường tư vấn học nghề phù hợp, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn lo cho gia đình, hoặc phấn đấu trong học tập, trở thành cán bộ ở cơ sở, điển hình như: anh Lâm Thành Sơn (hiện là Phó Chủ tịch UBND phường 11); chị Lê Phương Huyền (là một người đẹp khá nổi tiếng); chị Nguyễn Thị Tuyết (chủ một tiệm cắt tóc)...

 “Chỉ cần các em chịu học, chúng tôi còn tiếp tục chắp cánh ước mơ cho các em”, thầy Phương nói.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

(*) Bài hưởng ứng cuộc thi viết phóng sự-ký sự của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu


 

;
.