Chút tình với tác giả "Thu hát cho người"

Thứ Sáu, 06/05/2022, 20:49 [GMT+7]
In bài này
.

Vũ Đức Sao Biển là một nhà giáo nên anh có tác phong sư phạm ngay trong cả những cuộc vui với bạn bè. Có thể nói Vũ Đức Sao Biển là một người tài hoa, anh đứng trên bục giảng dạy văn cho học sinh tất nhiên rất lôi cuốn, sáng tác nhạc thì nhiều ca khúc nổi tiếng, có thể kể tên như: Thu hát cho người, Đêm Gành hào nghe điệu Hoài lang, Đau xót Lý chim quyên…

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Đặc biệt, với ca khúc “Thu hát cho người”, Vũ Đức Sao Biển đã khẳng định tên tuổi mình với âm nhạc. Anh là người hát dạo tình ca để nâng niu những cuộc tình mộng tưởng bằng lời của thơ và ý của người biết yêu say đắm. 

Vũ Đức Sao Biển còn là một nhà báo kỳ cựu, anh viết được nhiều thể loại và xuất sắc ở mặt phiếm luận với bút danh Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại… với hàng trăm bài báo sắc sảo.

Tôi với Vũ Đức Sao Biển có rất nhiều kỷ niệm và từng là đồng nghiệp công tác chung một tờ báo. Nhớ ngày đó Vũ Đức Sao Biển chán dạy học ở Bạc Liêu, anh thôi nghề thầy giáo để “tháo giày” về mái nhà xưa tại Tân Quy Đông, Quận 7. Một hôm, tôi qua Hoàng Yên Di chơi. Chúng tôi gọi đùa Hoàng Yên Di là Hoàng Dược Sư chúa đảo Đào Hoa thời hiện đại vì nhà anh ở bên kia sông, trên một hòn đảo trồng rất nhiều dừa và phi lao dọc triền sông. 

Đứng bên này sông, phải vận hết nội lực áp dụng võ công “Sư tử hống” của Kim Mao sư vương kêu thật to, sao cho tiếng kêu gọi ông chủ đảo Đào Hoa bay qua mặt sông rộng, vang trong khu vườn. Hoàng Yên Di nghe thấy sẽ chèo cái ruột xe ô tô bơm căng, trên đặt một tấm ván đủ cho khách và chủ ngồi đấu lưng nhau. Hoàng Yên Di người đen nhẻm, râu ria lún phún cầm cây dầm bơi phao qua chở khách quý sang thăm đảo Đào Hoa.

Lần đó gặp ngày nước kiệt. Tôi đang đứng bên này bờ sông “gọi đò”, bỗng thấy hai cha con nhà chài lưới người đầy bùn sình đang kéo lưới ven bãi cạn, thoạt trông người đàn ông lam lũ giống NS Vũ Đức Sao Biển đang kéo lưới bắt cá nhưng tôi chưa dám hỏi. Khi Hoàng Yên Di qua, tôi kể chuyện này và được Hoàng Yên di xác nhận đó là Vũ Đức Sao Biển. Tôi liền gọi anh và đề nghị Vũ Đức Sao Biển bỏ ngang buổi kéo lưới về nhà tắm rửa rồi sang nhà Hoàng Yên Di chơi. Nhà Hoàng Yên Di luôn có bạn bè tới chơi, nhậu nhẹt vào ngày Chủ nhật cuối tuần. Thủa đó thường có tôi, Nguyễn Trọng Khôi, Ngụy Ngữ, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Nguyễn Quang Sáng... Thỉnh thoảng có cả cô em gái của Trịnh Công Sơn là Trịnh Vĩnh Trinh. Nhậu và hát hò... đợi chiều gần tắt nắng nước sông đầy sẽ trở qua sông.

Sau hôm đó, Vũ Đức Sao Biển về làm việc với tôi và Hoàng Yên Di ở Báo CATP. Anh giữ chức Trưởng ban. Rồi anh về Báo Thanh Niên, Báo Pháp Luật thành phố. Khi nghỉ hưu, Vũ Đức Sao Biển sống ở chung cư Thanh Đa, 27, Bình Thạnh. Cả hai nơi Quận 7 và Bình Thạnh tôi vẫn thường ghé thăm anh, khi thì tình bạn bè, khi thì có ít việc. Mỗi lần tới thăm anh ở căn nhà trệt chung cư Thanh Đa, lô 5, Vũ Đức Sao Biển thường khoe và hát cho tôi nghe một ca khúc mới anh vừa sáng tác. Về sau này anh nghiêng về về sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca. Chính Vũ Đức Sao Biển đã hiệu đính và ghi note lại bài “Dạ cổ Hoài lang” của cố NS Cao Văn Lầu.

Tôi vẫn nhớ nhất những lần qua Đào Hoa đảo của Hoàng Yên Di trở về bên này sông, chiều đang xuống chậm, tôi, Hoàng Yên Di, Vũ Đức Sao Biển ngồi uống cà phê ở ngôi quán gần ngã ba đường, quán có cô gái tên Mộng Tuyền, người Quảng Ngãi, đẹp chân phương đã gợi hứng cho những buổi cà phê trên đường về của tôi và để Vũ Đức Sao Biển vừa đàn vừa hát Thu hát cho người. Còn tôi thì cứ Hành phương Nam của Nguyễn Bính với chút hơi rượu say bên kia đảo Đào Hoa của Hoàng Yên Di.

Khi được tin Vũ Đức Sao Biền trở bệnh nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Anh vướng K vòm họng và lần này lại có khối u trong phổi, bị mất tiếng. Có lẽ đây là hậu quả của việc hút thuốc liên tục nhiều năm ròng rã mà anh không dứt bỏ được dù đã nhiều lần cố gắng. Dù biết khó qua khỏi nhưng tôi biết Vũ Đức Sao Biển buồn nhiều hơn sợ, bởi cái chết không ai tránh khỏi, chỉ là vấn đề sớm muộn ở cõi đời này mà thôi. Thanh xuân rồi sẽ qua nhanh, tuổi tác ngày càng ập đến, chưa kể bệnh tật vô thường. Sợ chết để làm gì khi ta không thoát khỏi nó vì lỡ sinh ra với một kiếp người? Nhưng Vũ Đức Sao Biển sẽ rất buồn vì bị mất tiếng, anh sẽ không hát được nữa chính khúc tình ca hát dạo của mình và của những cuộc tình nhân thế: “THU HÁT CHO NGƯỜI”.

Mới đó mà đã hơn năm, kỷ niệm ngày mất của người nhạc sĩ tài hòa Vũ Đức Sao Biển (Anh mất ngày 6/5/2021 tại nhà riêng ở Củ Chi). Với tôi, Vũ Đức Sao Biển là một người hiền dù anh viết báo, viết phiếm luận ký bút danh Đồ Bì phê phán sâu cay những tiêu cực xã hội nhưng vẫn toát ra cái nhìn sự việc, con người mang tính xây dựng, bao dung “cười để sửa” hơn là triệt tiêu, cố ý “giết cho chết”. Điều này cũng sẽ giải thích vì sao Vũ Đức Sao Biển còn là nhà sư phạm, nhạc sĩ với những ca khúc trữ tình, sâu lắng thậm chí mang âm hưởng của các điệu lý đậm chất tình tự dân tộc, quê hương đã được anh đưa vào âm nhạc một cách tài hoa, thu hút, dễ đi vào lòng người.

TỪ KẾ TƯỜNG

 
;
.