.

Phim Việt quay ở nước ngoài có hấp dẫn?

Cập nhật: 09:53, 22/06/2018 (GMT+7)

Nhằm tạo sự tươi mới cho các tác phẩm điện ảnh, gần đây nhiều bộ phim Việt Nam có bối cảnh quay tại nước ngoài. Đây thực sự là một sự đầu tư đáng ghi nhận, khiến cho các bộ phim hấp dẫn hơn, tạo nhiều cảm xúc đa chiều hơn cho khán giả.

Diễn viên Lê Vũ Long và Hoa Thúy trong phim Tình khúc Bạch Dương quay tại Nga.
Diễn viên Lê Vũ Long và Hoa Thúy trong phim Tình khúc Bạch Dương quay tại Nga.

Thời chiến tranh, việc chọn bối cảnh phù hợp cho câu chuyện của phim truyện Việt Nam luôn làm đau đầu các nhà làm phim. NSND Trà Giang kể, bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm năm 1972 nói về sự đối đầu và những lựa chọn khắc nghiệt của người dân 2 bờ sông Bến Hải khi đất nước bị chia cắt, có những cảnh được quay ngay tại vùng giới tuyến đầy nguy hiểm này. Khi đoàn làm phim từ Hà Nội lên đường vào Quảng Trị thực hiện bộ phim, chiến trang đang rất khốc liệt. Phải mất 5 năm, đoàn làm phim “đội” bom đạn, không sợ sống chết, lao động hết mình mới hoàn thành. Khi đoàn phim rút về Hà Nội để làm hậu kỳ thì lại đúng thời điểm Mỹ đem quân đánh phá miền Bắc. Ngày đó, cả Hãng phim truyện Việt Nam phải sơ tán, riêng đoàn làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm vẫn phải ở lại thủ đô làm hậu kỳ, khi có báo động thì xuống hầm trú ẩn.

NSND Thế Anh thì nhớ lại, năm 1976, đoàn phim điện ảnh miền Bắc lần đầu tiên vào Sài Gòn làm bộ phim Mối tình đầu, đạo diễn Hải Ninh yêu cầu diễn viên hơn một tháng lăn lộn ở Sài Gòn, làm quen với cán bộ trại cai nghiện Fatima bên cầu Bình Triệu để vào vai con nghiện lên cơn vật vã thuốc, lăn lê bò toài, sùi bọt mép cho trung thực với vai diễn…

Ngày nay, điều kiện làm phim Việt Nam đã có nhiều thuận lợi, bởi nhiều đạo diễn, diễn viên được học tập, đào tạo nâng cao ở các nước có nền điện ảnh phát triển. Internet kết nối toàn cầu cũng là một phương tiện góp phần không nhỏ cho sự hòa nhập văn hóa thế giới. Nhiều cuộc thi quốc tế và khu vực tạo cơ hội thử sức cho điện ảnh nước nhà. Các nhà sản xuất phim tư nhân cũng xuất hiện khá nhiều, khiến cho thị trường điện ảnh trong nước phong phú, sôi động hơn.

Tuy nhiên, phim Việt quay bối cảnh ngoại mới chỉ được thực hiện trong vài năm trở lại đây. Ban đầu là những bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và nước ngoài. Sau đó là phim của những đạo diễn “chịu chơi”, bởi thực hiện những bối cảnh ngoại cho phim luôn tốn chi phí hơn rất nhiều so với việc thực hiện quay trong nước. Tuy nhiên, vì yêu cầu của kịch bản, vì hướng đi mới nên một số nhà làm phim đã chấp nhận để mang đến cho khán giả những hình ảnh hấp dẫn nhất.

Ở lĩnh vực phim truyền hình, có thể kể đến: Tuổi thanh xuân (phần 1 và 2) quay tại Hàn Quốc; Khúc hát mặt trời, Người cộng sự quay tại Nhật Bản; Bí mật tam giác vàng quay tại Lào - Thái Lan; series phim Trở về quay tại Lào, Thái Lan, Campuchia; Hai phía chân trời quay tại các nước Đông Âu; Khung cửa sổ mùa thu, Tình khúc Bạch Dương và Mátxcơva-Mùa thay lá quay tại Nga... Ở lĩnh vực điện ảnh, có thể kể đến các đại diện như: Quyên ghi hình tại Đức với bối cảnh là thủ đô Berlin và đỉnh núi Zugpitze ở độ cao 2.700m; Âm mưu giày gót nhọn hay Dạ cổ hoài lang cũng có nhiều cảnh quay được thực hiện tại Mỹ và Canada, Duyên trần thoát tục quay tại Ấn Độ...

Hầu hết các đạo diễn chia sẻ, việc quay phim ở nước ngoài vất vả và tốn kém. Đưa ê kíp làm phim Việt ra nước ngoài đồng nghĩa đối mặt với những khó khăn trước mắt về ngôn ngữ, sinh hoạt, ăn uống... hằng ngày. Từ việc lo visa, lo chỗ ăn ở cho cả đoàn, làm thủ tục để thực hiện những cảnh quay đều phải tính toán kỹ. Chẳng hạn, đoàn làm phim Dạ cổ hoài lang sang Canada để ghi hình tuyết rơi, nhưng chờ suốt một tuần mà tuyết không xuất hiện, đành kéo nhau về. Để chuẩn bị những cảnh quay ở Thái Lan cho Thầu Chín ở Xiêm, nhà sản xuất - đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, biên kịch Đinh Thiên Phúc, quay phim… đã cất công sang Thái tìm hiểu, khảo sát thực tế hàng tháng trời; nhưng do thời gian từ khi đi thực địa đến lúc bấm máy xa nhau, cộng với tình hình chính trị Thái Lan bất ổn nên ý tưởng thực hiện các bối cảnh cần tìm gần như… phá sản!

Đạo diễn Trọng Trinh chia sẻ khi quay phim Tình khúc Bạch Dương: “Ở nước Nga, thủ tục cấp phép quay những địa điểm nơi công cộng hay địa danh du lịch cực kỳ nghiêm ngặt. Có những bối cảnh khi tôi và đạo diễn Thanh Hải đi chọn trước đó họ đã đồng ý, nhưng khi trở lại, họ lại từ chối và cấp phép sang địa điểm khác. Vì vậy mà kịch bản bộ phim liên tục bị thay đổi, phút chót đến Matxcơva, ekip vẫn phải sửa đổi kịch bản”.

Thực tế, nhiều phim Việt có bối cảnh quay ở nước ngoài đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả, mang lại hướng đi mới mẻ cho điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, một bộ phim hay, hấp dẫn khán giả không thể chỉ dựa vào bối cảnh mà nó là sự tổng hòa của cốt truyện - xương sống, nhân vật - nền móng và lời thoại - linh hồn của kịch bản. Nếu không làm tốt các điểm này, dù có tốn kém, bối cảnh ngoại sẽ chỉ dừng lại ở mức độ “làm màu” cho phim chứ không thuyết phục nổi khán giả.

VŨ THANH HOA

.
.
.