Chảy về phía sông
Bạn cũ ngồi nhìn về phía sông, ký ức như thủy triều sóng sánh. Bạn kể vanh vách về tuổi thơ quê xứ, hồi đó từng này tuổi bạn đã biết bơi nè, đã trèo bần nhảy sông ở mé kia bờ nè, đã theo cha dậy sớm chạy theo con nước lớn ròng mà thả lưới kéo rập nè. Bạn nhớ hết, như thể bạn cất giấu đâu đó trong ngăn tiềm thức, đợi có dịp mường tượng thì xổ tung bộ nhớ hồi lâu giữ gìn.
Khúc sông nghiễm nhiên trở thành bạn đồng hành của lũ trẻ nhỏ, trong đó có bạn. Những ngày hạ cháy da, nhìn đâu cũng thấy đám con nít tung tăng sóng nước, rong ruổi hết mép bãi này đến triền bờ kia. Cái nghèo ngày ấy chẳng héo quắt và khô cong như cây khô mùa hạn, không có đồ chơi hào nhoáng đắt đỏ thì cũng thiên đường cỏ cây sông quê cho lũ trẻ đắm chìm. Những đôi mắt ngời lên của sự háo hức, những vành môi rộn rã của tiếng nói cười, bởi những niềm vui tự tạo, chẳng cần người nào ban phát làm riêng.
Bằng cách đó, lũ trẻ yêu sông, như bạn. Sông cũng không cần bạn phải đáp lại tình yêu bằng cách gắn chặt đời mình trong dãi dầu nước lớn, không cần thể hiện nỗi nhớ bằng cách dăm ba bận lại ra ngụp lặn. Cho đến khi bạn đi khỏi, sông cũng chưa một lần gắt gỏng, đăm chiêu hay hờn giận vì những ký ức từng có năm xưa. Bởi dù năm tháng có vụt biến một đứa trẻ thành một người trưởng thành, người ta cũng chẳng thể nào xóa bỏ được hoài niệm thơ ấu tròng trành, thời quá khứ, của bãi bờ, của những rặng bần, của rừng dừa nước, của từng con nước ròng nước lớn… Nên trong bạn vẫn còn đầy ắp vùng ký ức êm ả của những buổi trưa hè, của những hôm trốn ngủ bắt còng nhảy sông, của mùi sình lầy nồng nồng, của những tiếng gọi í ới về ăn bữa cơm chiều từ đầu bờ bãi.
Bạn định cư ở miền phố, sông vẫn ân cần làm nhiệm vụ của kẻ đợi chờ. Có lúc bạn yêu phố ngây dại, bạn tìm cách chối bỏ những gì thuộc về xưa cũ. Đến khi thành phố ghim vào lòng những tổn thương, ồn ã, bức bối, mỏi mê… bạn mới tất tả chạy về phía cũ. Nhưng đón bạn trở về chẳng còn là một sông quê hiền hòa dìu dịu của thuở thiếu thời, mà là bộ mặt già nua của biết bao lần sụp lở vì thủy chung chờ đợi. Lúc đó bạn chợt nhận ra, sông cũng có lúc hư hao và sứt mẻ, giống mình. Lần đó bạn nán lại lâu hơn, để tỉ tê tâm sự, để trò chuyện hàn huyên, để nghe sóng nước dội lên thành lòng. Sông vá lành những hư hao mà nhiều lúc phố gây ra cho bạn.
Những lúc chán chường, bạn lại tìm kiếm một khúc sông. Nhưng thời gian trơ khốc không cho phép bạn cứ trẩy lòng tìm lại quê xa hết lần này đến lần khác, bạn bắt đầu tìm kiếm những mạch nước, những con kênh, những mé rạch, khúc sông… trong lòng thành phố. Đôi lúc bạn thất vọng, bởi sự thắt thẻo, hoài công. Những dòng kênh đen, những đoạn sông tanh nồng được tìm thấy không phải thứ bạn khao khát, chúng không mang dáng dấp của tuổi thơ, của thiên đường bờ bãi xưa xa bạn âm thầm cất giữ trong hoài nhớ. Bạn không có tham vọng thay thế những thứ đó thành sông quê, nhưng bạn mong mỏi rằng chúng có thể khơi gợi lại chút ít gì đó tiềm thức cho bạn đỡ thèm, đỡ tủi và đỡ lạ xa giữa những bộn bề, chật chội và chen chúc của phố thị.
Bạn thú nhận, đi qua gần nửa đời người, mới ngỡ ngàng nhận ra mình vẫn còn tay trắng. Bạn nhớ nhung nhiều quá, tìm kiếm nhiều quá, những thứ đó đâu có mài ra thành của cải mà ăn được. Bạn ước giá như mình bớt chiêm nghiệm đi, bớt trẩy lòng về xưa cũ đi thì may ra mới chạy kịp với guồng quay của đô thị. Nhưng sông quê, tuổi thơ, ký ức, bãi bờ… xâm chiếm lòng thành bạn nhiều quá, bạn chỉ muốn thảnh thơi và thư thả sau những chộn rộn xứ người đã bao lần chùng chân mỏi gối.
Người ta giàu có đâu chỉ bởi của cải vật chất như bạn nói. Tôi vẫn quan niệm rằng thứ giá trị nhất trong cuộc đời mỗi người vẫn là những kỷ niệm. Nhiều người cũng đuổi theo suy nghĩ giống bạn nhưng rốt cùng cũng chỉ ngập ngụa toàn những gánh nặng cơm áo gạo tiền, có người dư dả rủng rỉnh nhưng lòng thành chai sạn hoặc lận lưng dăm ba niềm vui chớp nhoáng. Người ta ước được như bạn quá trời. Nếu nghĩ theo cách như vậy thì bạn cũng giàu có lắm chứ. Đâu dễ gì mà lưu giữ được ngần ấy ký ức trong cuộc sống hối hả.
KAI HOÀNG