Mẹ tôi
Lần nào thấy dì Út Đẹt lom khom dọn hàng xuống ghe chuẩn bị cho một chuyến đi dài, tôi cũng đi theo Út dặn hoài:
- Út lên đó có gặp mẹ con nhớ nhắn mẹ về đây giùm con, mẹ đi cũng hơn năm trời rồi chứ ít ỏi gì.
Thỉnh thoảng tôi lại thấy một người đàn bà nào đó quảy gánh đi trên con đường dẫn ra bãi chợ, chiếc nón lá tàng tàng không che hết lọn tóc quấn gọn sau gáy vài sợi đã điểm sương. Bóng hình ấy sao quen quá, bất giác gợi lại miền thương nhớ không tên mà trong những đêm dài nằm mơ, tôi vẫn thường gọi lên trong vô thức.
Minh họa của: MINH SƠN |
Giờ họp phụ huynh, trong lớp, phụ huynh xôn xao bàn tán chuyện thi cử học hành của con em, chỉ mình tôi là không có mẹ. Ông nội bảy mươi tuổi vẫn phải chống gậy đến lớp, chọn một góc ngồi và im lặng nghe thầy giáo kể chuyện lớp, chuyện trường.
Những lúc nhớ mẹ, tôi thường nấp ở đống rơm sau nhà ngồi bó gối khóc thút thít, thi thoảng lại nhìn lên bầu trời cao xanh vời vợi, lòng tủi tủi. Như những chiều tôi trốn nhà ra bờ sông lặng ngắm hoàng hôn buông mà lòng buồn man mác, thổn thức nghĩ không biết chừng nào mẹ tôi mới trở về…
Cớ gì mà người trong làng lại gieo rắc cho mẹ những điều xấu xa? Có hôm tôi đi học về ngang qua đầu xóm, vài người túm tụm lại rôm rả bàn tán. Một người phụ nữ cao gầy khuôn mặt đầy tàn nhang gọi tôi lại, buột miệng hỏi:
- Mấy rày mẹ mày có về thăm mày không, Nhũ?
Tôi ngượng ngập đáp khẽ:
- Dạ, không.
- Thế mẹ mày cũng không gọi điện hay viết thư về cho mày à? - người đàn bà bên cạnh tiếp lời.
- Dạ..., giọng tôi khản đặc.
- Trời ơi, tội thằng nhỏ quá! Không chừng mẹ mày vớ phải ông đại gia giàu sụ mất rồi. Hoặc thân sơ thất sở lê la đầu đường xó chợ rồi cũng nên.
Bà ta thở dài ngao ngán, mỗi tiếng thở bất giác gieo vào tim tôi chút xót xa, nhoi nhói. Mấy lần mẹ gọi điện thoại đường xa về mà tôi có nghe được đâu. Làng vừa nghèo vừa nằm sâu trong vùng núi rừng, cây cối um tùm, đường vào làng quanh co, phải qua mấy lần đò dọc, băng qua mấy cánh đồng mới tới được. Trong làng chỉ có mỗi mình nhà bác Thoa là có điện thoại để bàn, hôm mẹ tôi gọi về, bác hối hả nhảy ngang con mương sau nhà chạy qua báo tin cho tôi. Tôi ngồi nhặt cau bên hè, nghe bác gọi mà mừng rơn, tức tốc chạy sang nhà bác ngồi canh chừng lỡ mẹ tôi có gọi về thì còn kịp nhấc máy. Tôi đợi hoài đợi mãi, mong một tiếng chuông điện thoại reo lên và đầu dây bên kia là giọng nói nhỏ nhẹ thân thương của mẹ. Chiếc điện thoại vẫn im lặng như chừng ấy tháng ngày cuộc đời tôi im lặng, đi học về thì đội nón ra đống rơm nhặt nấm, nhổ khoai cho ông đi bán chợ xa. Buồn buồn thì tìm một bóng râm nào đó cuộn mình ngủ một giấc đến khi mặt trời xế bóng, có lúc kiến bò đầy người mà tôi nào có hay, thức dậy chỉ thấy trên cơ thể mọc đầy những đốm đỏ ửng, sưng tấy. Tôi ôm mặt khóc.
Rất ít khi tôi chuyện trò hoặc cười nói với những người thân thuộc, bởi mỗi lần thấy mặt tôi là họ lại mang chuyện quá khứ của mẹ tôi ra mà đay nghiến, mà dỗi hờn. Tôi nghe mãi cũng quen, cũng không còn tủi lòng chạy về ôm ông nội mà khóc sướt mướt như hồi còn bé.
Chỉ có ông nội là thấu hiểu cho nỗi lòng mẹ tôi. Ngày vợ chồng chú ba kéo đến đứng ngoài gốc dừa gọi tên mẹ tôi ra mà chửi, hình ảnh chú thím đã phai mờ trong tâm trí tôi. Cha tôi mất sớm, chú ba thay cha bù đắp cho tôi tình thương máu mủ ruột rà. Người chú thân yêu từng chiều cõng tôi thả diều trên cánh đồng mù khói, có con cá mớ rau cũng ghé qua nhà đưa cho mẹ tôi nấu bữa cơm chiều bây giờ nhẫn tâm cầm khúc củi khô ném thẳng vào mẹ tôi. Chỉ vì chú nghe người trong làng bịa chuyện mẹ tôi âm mưu chiếm trọn phần đất hương hỏa của dòng họ, cả căn nhà mà ông bà dành dụm hơn nửa đời người để xây nên. Chú thím dùng lời lẽ cay độc mắng nhiếc mẹ tôi.
Cha tôi qua đời vì cơn bạo bệnh. Tôi với ông không đủ sức bảo bọc mẹ tránh khỏi những điều tiếng oan nghiệt, mẹ chọn cách ra đi để gia đình được yên ổn. Ngày mẹ tôi xách giỏ rời làng, tôi chạy theo ôm mẹ khóc mướt. Ông nội bất lực ngồi rít hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Dường như mắt ông cũng rơm rớm. Ông dặn:
- Đi thì đi, ráng mà sống với đời. Thong thả lại về thăm ba, thăm thằng Nhũ. Lúc nào cũng vậy, nhà này là nhà của con…
Mẹ tôi gật đầu, ôm tôi chặt đến nỗi tưởng như tôi không thể nào thở được nữa. Dòng nước mắt mẹ rơi xuống trên đôi vai gầy guộc của tôi, âm ấm. Mẹ đi, ông cháu tôi tiễn mẹ ra bến đò. Bóng mẹ nhòe đi dưới những tia nắng yếu ớt phía cuối chiều. Tôi đứng lặng nhìn theo cho đến khi con đò chở mẹ tôi mất hút…
Rất nhiều lần tôi định khăn gói đi tìm mẹ. Nghe dì Út Đẹt kể lại một lần dì đang loay hoay cân hàng ở chợ đầu mối, thoáng thấy mẹ tôi quảy đòn gánh đi vào trong hẻm nhỏ. Mẹ đội nón lá, mặc chiếc áo sờn vai vá chằng vá đụp. Út chạy theo gọi với thì mẹ đã khuất hẳn sau mấy bức tường rêu. Tôi bàn với ông:
- Hay con lên phố tìm mẹ, trời thương cho gặp, con năn nỉ mẹ về. Làng ghét mẹ thì còn ông cháu mình, tội nghiệp mẹ!
Ông tôi giọng nói khản đặc như sắp khóc:
- Bây còn nhỏ quá, trên phố rộng lắm chứ đâu phải như cái làng này. Biết đâu mà tìm hả con?
Tôi gục đầu vào ngực ông, nước mắt chảy dài trên má. Tôi không khóc, tôi không muốn ông nội nhìn thấy tôi khóc. Tôi lén lấy tay quệt nước mắt mà nó cứ chảy hoài. Bất giác tôi ngửi thấy mùi thuốc mà ông thường hay rít trong những lúc sầu đời, mùi người già tỏa ra bao bọc thân tôi ấm áp lạ thường.
Cuối năm gió lạnh, những đợt bấc lũ lượt kéo về. Những chuyến đò dọc ầm ầm, chân vịt xé nước đưa người phương xa về xóm. Chốc lát tôi lại chạy ra bến sông đứng lóng ngóng hy vọng mong manh sẽ thấy mẹ tôi đứng trước mũi đò, khuôn mặt thân thương nhìn tôi trìu mến. Tôi sẽ đợi chiếc đò cập bến, sẽ chạy ào xuống mũi đò mà ôm chầm lấy mẹ cho thỏa thuê nỗi nhớ niềm thương.
Tôi quá giang ghe dì Út Đẹt chở hàng bông lên chợ. Dì dặn tôi:
- Tìm được mẹ hay không thì 4 giờ chiều nay cũng trở lại đây về nhà với Út, ai cũng có duyên số hết thôi con!
Tôi khẽ gật đầu rồi chạy đi khắp chợ tìm mẹ, gặp ai cũng hỏi có thấy người đàn bà nào trạc ngoài bốn mươi, tóc búi sau gáy, khuôn mặt lấm tấm tàn nhang vẫn thường quảy đòn gánh rong ruổi theo cái chợ còm này không. Người ta lắc đầu, bảo tả vậy thì tìm đến mùa ổi năm sau cũng không thấy, bởi ai gồng gánh ở đây cũng nặng oằn những nỗi vất vả, lo toan trên bờ vai hao gầy. Tôi thất thểu ngồi tựa lưng vào bức tường cũ trong một con hẻm cũ, gió thốc bời bời.
Trong không gian im ắng văng vẳng lên tiếng rao hàng thân thương kéo dài lê thê như cuộc đời. Giọng rao thân quen quá, hình như là giọng của mẹ tôi, cái giọng nhỏ nhẻ lúc vỗ về hay nắm bàn tay tôi đi trên con đê trong một chiều lam màu khói biếc, cái giọng khàn khàn nghẹn ngào như những lúc mẹ tôi bị người làng hiểu lầm đọa đày, tủi lòng dắt tôi đi qua những bể dâu, ngang trái…
Trời ơi là mẹ! Mẹ tôi năm nào bây giờ lay lắt chốn thị thành, một mình một bóng, với gánh nặng mưu sinh mà tâm hồn ngây dại của tôi đã đủ hiểu hết thế nào là những nỗi cơ cực trong cuộc đời của mẹ. Hình như mẹ chưa thấy tôi, mẹ đặt đòn gánh xuống đường, với tay lấy cái nón lá trên đầu phe phẩy quạt cho ráo mồ hôi chảy ròng trên hai bầu má hóp hép rám nắng của mẹ. Tôi không kìm được lòng mình, chạy ùa ra gọi “Mẹ, mẹ ơi!”.
Tôi nức nở. Mẹ sựng lại giây lát rồi ôm lấy tôi mà xoa đầu, mà hôn lên khuôn mặt ngây thơ hoe hoe mùi nắng của tôi. Đôi mắt mẹ đỏ hoe, mẹ kéo ống tay áo lên lau nước mắt. Không ai nói được lời nào, vẫn là vòng ôm chặt thít của mẹ tôi ngày nào. Như để trao hơi ấm, để bù đắp những tháng ngày trống vắng thiếu thốn tình thương trong tuổi thơ tôi và cả những nhọc nhằn của mẹ.
Trái bần rơi thõm xuống nước kéo tôi về thực tại. Tôi thấy mình nằm trên chiếc đò nhỏ neo ngoài bến quê, chòng chành. Không thấy mẹ đâu. Ánh nắng cuối chiều rọi thẳng vào làm mắt tôi cay sè. Tim tôi xốn xang.
Chiều trong veo, chim kêu thắt thẻo làm nỗi buồn thêm choáng ngợp cõi lòng. Tôi vốc nước sông rửa mặt cho tỉnh hẳn rồi phóng lên bờ, chiếc đò bạt nước dập dềnh, nếu không có sợi dây mong manh có lẽ nó trôi tuột ra giữa sông rồi lênh đênh đến một phương trời nào đó.
Tôi bước từng bước trên đám cỏ mềm dưới chân đi về nhà. Ô kìa, có tiếng gọi thân thương vọng lại từ phía sau nghe mà ấm lòng, se thắt cả bóng chiều quạnh vắng: “Nhũ ơi, con ơi…”. Tôi ngoái đầu nhìn lại... Là mẹ. Mẹ tôi bằng xương bằng thịt chứ không phải trong giấc mơ.
Truyện ngắn của: HOÀNG KHÁNH DUY