Sính nghệ danh ngoại
Nghệ danh là biệt hiệu của một nghệ sĩ hoặc một nhóm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhiều trường hợp khi nghệ sĩ đã khẳng định được tài năng của mình trong lòng công chúng, người hâm mộ quên hẳn tên khai sinh của nghệ sĩ đó mà chỉ nhớ đến nghệ danh. Điều đáng nói, nhiều nghệ sĩ Việt chạy theo trào lưu đặt nghệ danh bằng tiếng nước ngoài khiến công chúng không biết đâu mà lần.
THỂ HIỆN PHONG CÁCH
Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng là những nghệ sĩ được nhiều mến mộ bằng tài năng đích thực chứ không phải nhờ nghệ danh ngoại. |
Ở nước ngoài, các nghệ sĩ có nhiều lý do để đặt nghệ danh nhưng họ không phải đặt theo trào lưu. Ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ, Lady Gaga tên thật là Stefani Joanne Angelina Germanotta. Từ nhỏ, cô thường hát theo những bản nhạc của thần tượng là Ông vua nhạc Pop - Michael Jackson và nữ ca sĩ Cyndi Lauper. Hai giọng ca này đã khởi nguồn cho niềm đam mê âm nhạc bất tận của cô. Sau này, khi nghe nhạc của Queen và David Boewie, cô đã nghĩ ra ý tưởng táo bạo khi kết hợp pop, rock và nhạc kịch lại làm một. Cũng nhờ ca khúc "Radio Gaga" của ban nhạc rock huyền thoại Queen, Stefani Joanne Angelina Germanotta nghĩ ra nghệ danh cho mình là Lady Gaga.
Còn Pitbull, tên thật là Armando Cristian Pérez - là ca sĩ nhạc rap, nhạc sĩ người Mỹ gốc Cuba. Anh gửi một thông điệp “mạnh mẽ và tự do” như một loài chó hung dữ bậc nhất có nguồn gốc châu Mỹ qua nghệ danh của mình: Pitbull. Anh chia sẻ: “Chó Pitbull bị đặt ngoài vòng pháp luật ở quận Dade (Miami). Chúng về cơ bản giống hệt tôi. Và đó là một cuộc chiến không thay đổi". Nữ ca sĩ nhạc pop người Mỹ, Katy Perry thì đổi họ của cô từ Hudson sang Perry vì đây là tên thời con gái của mẹ cô và vì tên thật của cô quá giống với nữ diễn viên Kate Hudson… Đương nhiên, những nghệ sĩ này là người phương Tây nên chọn nghệ danh Tây cũng không có gì quá lạ lẫm.
Công nghệ phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc ảnh hưởng sâu sắc phương Tây nên họ có xu hướng đặt nghệ danh bằng tiếng Anh cho dễ đọc, dễ nhớ và dễ phổ biến toàn cầu. Nghệ danh của các “thần tượng” Kpop sử dụng để tạo ấn tượng khác biệt. Chẳng hạn Baro (B1A4) tên thật là Cha Sun Woo. Anh chọn nghệ danh Baro là tên viết tắt của "Baro SalJa" có nghĩa là "Hãy sống một cách đúng đắn". Tên thật của IU là Lee Ji Eun. Cái tên này quá chung chung, vì vậy cô chọn nghệ danh là IU - viết tắt của I và You. Cái tên này có nghĩa đầy đủ là “bạn và tôi trở thành 1 trong âm nhạc”. Trước khi được biết đến là Qri thuộc nhóm T-ara, bạn bè của Lee Ji Hyun từng gọi cô là “Cu-ry” - sự kết hợp giữa “cute - dễ thương” và “pretty - xinh đẹp. Nghệ danh đó đã đem đến cho cô nàng nhiều tình cảm từ người hâm mộ…
HỌC THEO CŨNG TỐT, NHƯNG…
Ở Việt Nam, có vẻ như nghệ sĩ đặt nghệ danh bằng tiếng nước ngoài vì chạy theo trào lưu là chính. Còn nhớ thời nhạc Hoa còn thịnh hành, nhiều ca sĩ đặt nghệ danh kiểu Trung Quốc: Lâm Chấn Huy, Nhật Tinh Anh, Châu Gia Kiệt, Quách Thành Danh, Lâm Chí Khanh, Vĩnh Thuyên Kim… dù họ chẳng có tí “máu” Trung Hoa nào. Hiện nay, làng giải trí Việt đang xuất hiện những nghệ danh nửa Tây nửa ta như: Noo Phước Thịnh, Nakun Nam Cường, Akira Phan, Nukan Trần Tùng Anh, Reno Bình, Hamlet Trương, Angela Phương Trinh, Cường Seven… Rồi đến thời “Tây” toàn tập như Kelly, Emily, Tim Tronie, Will, Karik, Only C, Issac, Will, ST, Tronie… cho tới các nhóm nhạc như: Uni5, Zero 9... Những nghệ danh có “hơi hướng Hàn Quốc" như: Chipu, Midu, Young Uno, Min, Justa Tee, Kimmese, Chan Than San…
Giới giải trí đang có nhiều ý kiến trái chiều về chuyện nghệ danh của nghệ sĩ Việt. Nhiều ý kiến cho rằng việc đặt nghệ danh nước ngoài là học làm sang, coi thường tiếng mẹ đẻ, chạy theo trào lưu nhất thời, làm mất bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng có nghệ sĩ lại cho rằng chuyện lấy nghệ danh nước ngoài là xu thế của thế giới, là sự hòa đồng trong nghệ thuật. Nó thể hiện được cái tôi cùng sự độc đáo, phá cách trong âm nhạc của một người làm nghệ thuật và không phải cứ lấy nghệ danh nước ngoài là thờ ơ và xem nhẹ tiếng Việt.
Nhạc sĩ Trần Minh Phi cho rằng việc nghệ sĩ sính nghệ danh ngoại là nông cạn. Theo nhạc sĩ, cái tên không làm nên con người mà chính con người mới làm nên cái tên. Nhiều nghệ sĩ trên thế giới vẫn thành công và nổi tiếng với chính cái tên mẹ đẻ của họ. Điều quan trọng là tài năng của nghệ sĩ được công nhận chứ không phải là cái tên quốc tế nào cả. Còn việc có “bơi” ra được biển lớn được hay không thì phụ thuộc vào năng lực của nghệ sĩ Việt chứ đừng lấy cớ chọn nghệ danh Tây để thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế.
Thực tế cho thấy, những nghệ sĩ trẻ hiện nay được công chúng yêu mến hoàn toàn không phụ thuộc vào nghệ danh mà hầu hết họ có những cái tên “thuần Việt” như: Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương cho đến những ngôi sao trẻ được yêu thích như: Văn Mai Hương, Hương Tràm, Thùy Chi, Đức Phúc, Bảo Anh… Không ít trong số ấy từng sinh sống và học tập ở nước ngoài như Hà Anh Tuấn, Tóc Tiên, Thanh Bùi, Dương Triệu Vũ… nhưng họ cũng không dùng nghệ danh nước ngoài.
Hy vọng rằng trong tương lai gần, nghệ sĩ Việt sẽ đưa nhạc Việt nói riêng và văn hóa Việt nói chung đến với khán giả quốc tế một cách đầy tự tin với những cái tên thuần Việt đáng tự hào chứ không phải vay mượn hay ăn theo bất cứ một trào lưu âm nhạc nào.
VŨ THANH HOA