.
TẢN VĂN

Ngọn bút - niềm tin

Cập nhật: 09:51, 22/06/2018 (GMT+7)

Tôi muốn gọi ngòi bút của những người viết báo là ngọn bút. Như cái cây, ngọn là nơi nhạy cảm nhất, hứng chịu nhiều thử thách nhất và vươn dậy sức sống nhất. Ngọn cũng là nơi dễ nhận thấy nhất: dẻo dai, cương nghị, thẳng thắn vuốt nhọn mài sắc bản lĩnh: Niềm tin của ngọn bút.

Không phải ngẫu nhiên mà mọi người thường gọi những người làm báo là nhà báo và nghề báo, nghiệp báo cũng như người dạy học là thầy giáo, nghề giáo. Chữ “nhà báo” mang lại sự tin cậy cả đức và tài bao hàm: tâm huyết, tài năng, trí tuệ và tình cảm. Làm báo là một nghề với bao khổ luyện không chỉ học trong sách vở với kiến thức chuyên môn nghiệp vụ mà cả những lặn lội học trong đường đời. Chính sự thử thách của cuộc sống mới luyện rèn, mới tích lũy được bao kinh nghiệm có khi đổi bằng cả xương máu. Nghề báo luôn tạo ra một sự cuốn hút say mê bởi ở đó là một nghề sáng tạo, tạo ra cái mê say của niềm cảm hứng, cộng hưởng liên tài đồng cảm, đồng điệu với các đồng nghiệp. Nghề báo đã gắn bó suốt cuộc đời thành “nghiệp báo” như một định mệnh…

Tôi hình dung những người làm báo là những con người rất riêng, cả hình thức bên ngoài và tính cách linh hoạt bên trong. Từ chiếc áo chuyên dùng có nhiều túi đựng đồ nghề tác nghiệp gọn ghẽ giống như chiếc áo phao cứu sinh, lại như một tấm áo giáp vải mềm mại nhưng bền chắc. Thời đại hiện nay có nhiều loại hình báo chí: Báo viết, báo hình, báo điện tử... Có nhiều phương tiện thông tin nhanh chóng, tin cậy và thuận tiện, cập nhật nhanh và chính xác nhưng không thể thay thế được tầm nhìn và trái tim của người làm báo: đó chính là sự nhạy cảm và đồng cảm, bởi ngọn bút viết bằng sự trung thực từng trải và chân thành. 

Lại nhớ những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhà báo đồng thời cũng là người chiến sĩ “Vóc nhà thơ (nhà báo) đứng ngang tầm chiến lũy” như Chế Lan Viên đã từng ngợi ca. Ngọn bút của nhà báo - chiến sỹ chính là ngọn súng. Những thước phim tư liệu, những tấm ảnh thời sự nóng hổi, những trang sổ tay ghi chép nhòe máu thắm và nước mưa, những nét chữ run run ngổn ngang đường rừng trong cơn sốt rét. Rồi những chiếc ba lô, tăng võng bi đông nước lỗ  chỗ vết đạn găm. Nhiều người đã ngã xuống. Họ lặng lẽ hy sinh bởi trong  những tấm hình chụp ở mặt trận chỉ có nhân vật đâu có dáng hình của họ.

 Tôi lại nhớ đến một trong những tờ báo sớm nhất của báo chí cách mạng Việt Nam mang tên “Sự Thật”. Vâng, sự thật tất cả vì sự thật, niềm tin bắt đầu từ sự thật và chính sự thật là chất liệu cho các nhà báo - một sự thật tươi ròng của cuộc sống, của những số phận con người, của những vấn đề mới mẻ đặt ra cấp thiết của xã hội đã gợi mở, đã cuốn hút sự mê say đầy trách nhiệm và tâm huyết của những người làm báo. Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam có một điều trùng hợp là phần lớn các nhà hoạt động cách mạng đều có hoạt động báo chí - một phương tiện truyền thông có hiệu quả và sinh động thiết thực nhất. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo nổi tiếng. Người đã viết hàng trăm bài báo với hàng chục bút danh. Tên tuổi của Người: Nguyễn Ái Quốc gắn bó với tờ báo “Người cùng khổ” từ những ngày đầu hoạt động cách mạng ở Paris (Pháp). Và sau này, Bác Hồ không chỉ viết báo mà còn theo dõi rất sát các bài báo nêu gương người tốt để tặng huy hiệu của Người. Các vị lãnh đạo khác như Trường Chinh, Võ Nguyễn Giáp đều từng là chủ bút của các tờ báo cách mạng. Thời kỳ đổi mới của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết “Những việc cần làm  ngay” thật sinh động và thiết thực, gây được tiếng vang trong dư luận xã hội…

Ngày nay, trên mọi nẻo đường đất nước đều có hình ảnh các nhà báo đến với vùng sâu, vùng xa, những “điểm nóng” đấu tranh với cái ác, cái xấu. Có những nhà báo đã hy sinh ngay cả trong thời bình giữa cơn bão lũ hoành hành. Tấm áo nhà báo không chỉ bọc và giữ lại hình hài cốt cách bản lĩnh của một người làm báo để chống lại những sự cám dỗ muôn hình, mà có lúc còn phải hứng chịu cả những viên đạn bắn thẳng. 

Ngày nay, trên các con tàu ra quần đảo Trường Sa luôn có những nhà báo đi theo để tác nghiệp. Có nhà báo đã từng mượn ý thơ của Tố Hữu để dặn dò: “Trường Sa khát lắm cơn mưa/Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”. “Hiểu mình” chính là sự gạn lọc để bồi đắp, nuôi dưỡng niềm tin. Và ngọn bút cũng chính là ngọn sóng…

NGUYỄN NGỌC PHÚ

.
.
.