Tháng Năm nhớ Bác
Sớm tinh mơ, ông Hải vừa tỉnh giấc bỗng nghe thấy tiếng ve kêu râm ran trong khu vườn sau nhà. Ông bàng hoàng giật mình. Một cảm giác lâng lâng khó tả dâng lên trong ông. Ông chạy vội ra đứng bên khung cửa sổ nhìn như thôi miên lên các vòm lá nơi từ đó tiếng ve phát ra. Cả khu vườn rạo rực. Dàn âm thanh kỳ ảo đó tràn ngập đôi tai ông, ùa vào căn phòng, mơn man lên từng đường gân thớ thịt của ông. Và đến khi đôi mắt ông bắt gặp thấp thoáng những chùm phượng đỏ đầu mùa thì ông Hải không thể đứng yên được nữa. Ông chạy ào ra vườn dang đôi tay lên trời hướng về phía tiếng ve và những chùm hoa phượng đỏ. Trời ơi! Thế là tháng Năm đã về! Mùa thi đã tới! Kỷ niệm một đời làm nghề thầy giáo ùa về trong ông.
Bác Hồ về thăm lại ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên trong lần đầu về thăm quê sau 51 năm xa cách (ngày 14-6-1957). Ảnh: TL. |
Ông Hải phá lệ không đi bộ tập thể dục như mọi sáng nữa mà nhẩn nha dạo quanh vườn chìm đắm trong tiếng ve ngân. Nghỉ hưu mới hai năm nên kỷ niệm về trường lớp, thầy trò trong ông vẫn còn như nguyên vẹn. Đặc biệt, hàng năm cứ đến những ngày này, khi mà tiếng ve cất lên, hoa phượng thắp lửa đỏ rực một khoảng trời là ông Hải lại nôn nao nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè đồng nghiệp và học sinh thân yêu của mình với những hoạt động ngoại khoá chào mừng Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ mùa thi da diết đến khôn cùng. Ông Hải bần thần bước chân trôi đi bềnh bồng trong tiếng ve.
- Ông ơi! Về ăn sáng
đi chứ?
Tiếng bà Ngân, vợ ông đã làm ông sực tỉnh cũng là lúc tiếng ve vừa dứt. Ông Hải quay gót trở vào nhà và nói với bà Ngân trong tiếng thở dài:
- Thế là mùa thi lại đến rồi bà nhỉ? Chẳng biết năm nay chúng nó thi cử thế nào?
- Ôi dào! Nghỉ hưu rồi mà ông vẫn cứ tơ vương mãi thi với cử. Thôi, ông nhớ chăm lo cái sức khỏe của ông cho tôi nhờ. Suốt đời thi cử, phấn trắng bảng đen mãi mà ông vẫn chưa chán hay sao?
Bà Ngân chép miệng. Tiếng là bà giáo nhưng cả đời bà Ngân gắn bó với ruộng đồng. Một tay bà hai sương một nắng gồng gánh cả gia đình lo cho mấy cha con ông Hải tập trung chí thú vào chữ nghĩa. Ông thì dạy học. Ba đứa con đứa nào đứa nấy cũng đều là những con mọt sách. Hết phổ thông, các con ông lại đi thoát ly hết. Cô con gái thứ hai và cậu ba có gia đình ở riêng đã đành, vợ chồng cậu cả cũng làm trên tỉnh, cả tuần mới về nhà một lần vào ngày nghỉ. Họ để hai đứa con ở nhà cho bà chăm, ông kèm, để chúng vừa có chất đồng quê của bà vừa tiếp thu được kiến thức sách vở của ông. Điều này đã làm cho hai ông bà đỡ hiu quạnh. Căn nhà nhờ chúng mà ấm cúng lên rất nhiều.
Cái chứng đau bao tử kinh niên của ông Hải đã làm bà Ngân đứng ngồi không yên bao phen. Có lần ông Hải đau quá nhưng chỉ kịp bỏ ít thuốc muối vào miệng, chiêu ngụm nước rồi xách cặp đến trường. Cản thế nào thì cản, ông nhất định không nghe. “Tôi không thể bỏ lớp được. Bà cứ đi làm đồng đi, không phải lo cho tôi”, ông vừa dắt xe đạp ra vừa nói cứng với bà như thế. Ngày ông nghỉ hưu, bà Ngân đã mừng thầm trong bụng. Dứt được công việc, xa trường xa lớp ông sẽ chú tâm giữ gìn sức khỏe, bà sẽ có điều kiện chăm sóc ông hơn. Ấy vậy mà, về hưu tuần trước, tuần sau ông đã cặm cụi vào sách vở, đọc đọc chép chép. Chẳng biết ông viết lách cái gì mà nhiều lúc xem ra khó nhọc lắm. Ông còn tham gia công tác ở Hội người cao tuổi xã. Thế là ông vẫn chưa phải là riêng của bà. Những lúc nhìn ông vừa nhăn nhó ôm bụng vừa cầm bút ghi chép, bà Ngân vừa bực lại
vừa thương.
Ăn sáng xong, chờ cho bà Ngân đi chợ, ông Hải lại ngồi vào bàn viết. Vừa mở trang sách ra thì bất chợt dàn đồng ca của lũ ve từ các tán cây phượng lại đồng loạt cất lên. Những chùm phượng vĩ khẽ đung đưa, đung đưa không hiểu do tiếng ve ngân sôi lên trong vòm lá hay là do làn gió nhẹ thoảng qua lúc sớm mai đầu hạ. Ngước lên giá sách, ông chợt bắt gặp hình ảnh Bác Hồ với đôi mắt sáng hiền từ như nhìn riêng ông, như tâm sự gì đó với ông gần gũi lắm. Ông Hải cầm bút bần thần giây lát rồi chợt như lên đồng ông cắm cúi lia bút. Cứ viết được một lúc, ông lại vớ cây đàn ghi ta dạo lên những nốt nhạc bập bùng. Rồi ông gạch xóa, chữ nọ chèn lên chữ kia, nốt nhạc nọ chồng lên nốt nhạc kia. Tờ giấy có những khuông nhạc kẻ sẵn chi chít ký hiệu. Khoảng hơn một giờ đồng hồ sau, khi mà lũ ve đến giờ cử nhạc thì cũng là lúc ông buông bút cầm đàn và hát. Tiếng hát ông trầm ấm, du dương nổi bật trên nền hòa âm râm ran tiếng ve ngân. Ông Hải hát say sưa cứ như cái thuở mười tám đôi mươi của mình vậy.
Bà Ngân đi chợ về thấy cảnh đó ngỡ ngàng quá. Bà cứ đứng ngây ra ở cửa, ngay phía sau ông, tay xách chiếc giỏ đi chợ và tròn mắt nhìn ông Hải. Trời ơi! Ông này hôm nay sao thể nhỉ? Có bao giờ thấy ông ấy thế này đâu? Mọi khi ông ấy làm thơ cơ mà? Sao dạo này lại chuyển sang sáng tác nhạc cơ chứ? Nhưng mà... bài hát hay quá! Bài hát về Bác Hồ, về đạo thầy trò bà nghe lần đầu mà như đã thấm vào gan vào ruột thế này? Hay ông ấy... chép của ai? Không phải, bản thảo gạch xóa thế kia cơ mà. Thì hồi trước ông ấy chả một thời dạy nhạc lý là gì. Tay phải dạy văn, tay trái dạy nhạc, nghề của ông ấy mà. Thế rồi bà cũng bị giai điệu bài hát cuốn đi bâng lâng
bâng lâng.
Hát xong, ông Hải quay lại thấy bà Ngân đứng đó tự bao giờ. Ông đánh trống lảng:
- Bà về lúc nào thế?
- Về từ lúc ông vừa mới hát cơ. Ông viết bài hát này à?
- Ừ. Được không bà?
- Hay lắm! Tôi nghe thích lắm! Lâu lắm rồi mới lại được nghe ông hát.
Bà Ngân thiệt thà. Dường như vẫn chưa nguôi dòng cảm xúc ông Hải bồi hồi nói:
- Tôi viết bài này để hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bà ạ. Suy nghĩ trăn trở mãi hôm nay mới viết được đấy. Cả đời dạy học của tôi, bao nhiêu tình cảm của tôi đối với Bác đều được gửi gắm qua ca khúc này, bà thực lòng nghe thấy được chứ?
- Được lắm. Rất hay nữa là đằng khác. Không ngờ ông lại viết được hay đến thế, bà Ngân động viên.
Ông Hải xúc động:
- Cảm ơn bà. Thế thì tôi phải gửi đi ngay.
Hơn chục ngày sau, ông Hải đang ngồi thả hồn theo một tứ thơ mới thì con Thu - cháu gái ông bà chạy ào về:
- Ông ơi! Bà ơi! Đài đang phát bài hát của ông đó. Ông mở đài ra nghe ngay đi.
Ông Hải luống cuống chạy tìm chiếc ra đi ô. Bà Ngân đang ở dưới bếp cũng chạy lên nhà đứng cạnh ông Hải. Hai ông bà loay hoay mở đài. Con Thu chạy tới:
- Ông để cháu mở cho.
Chiếc ra đi ô loẹt xoẹt một lúc thì tiếng hát vút lên. “Tháng Năm, con về thăm quê Bác. Cánh phượng hồng, rộn rã tiếng ve ngân...”. Một dòng điện chạy dọc sống lưng ông Hải. Bà Ngân ngó chăm chăm vào cái đài nghe như nuốt lấy từng lời. Hai tay con Thu cầm chặt chiếc ra đi ô. Hình như nó sợ buông ra thì tiếng hát kia tắt mất thì phải. Mãi đến khi tiếng phát thanh viên nói “Các bạn vừa thưởng thức ca khúc mới sáng tác của nhạc sỹ Tiến Hải” thì cả ba người mới bừng tỉnh. Đầu tiên là con Thu. Nó reo lên ôm chầm lấy ông Hải:
- Hoan hô ông! Cháu chúc mừng ông có bài hát mới
hay quá!
Rồi đến lượt bà Ngân:
- Ông thấy chưa? Tôi đã bảo hay là hay mà. Trưa nay nhà mình phải liên hoan chứ?
Ông Hải lặng đi không nói được lời nào.
Ba hôm sau, lại vẫn con Thu hớt hơ hớt hải phóng xe đạp về. Vừa đến sân, con bé quăng chiếc xe đạp chỏng chơ trên nền gạch, nhảy chân sáo vào nhà:
- Ông ơi! Bà ơi! Có tin vui mới đây này!
Thu cầm tờ giấy giơ lên vẫy vẫy. Ông Hải bỏ tờ báo đang đọc dở ngó ra. Bà Ngân chạy đến bên đứa cháu:
- Tin gì thế? Đưa bà
xem nào.
Bà Ngân cầm tờ giấy đọc lướt qua rồi nói:
- Ông được giải bài hát “Tháng Năm nhớ Bác” rồi. Người ta mời ông lên tỉnh nhận giải nè.
Bà Ngân run run đưa tờ giấy cho ông Hải. Ông Hải cũng xúc động không kém. Lau cặp kính cận dày cộp, ông Hải mới đọc xong tờ giấy.
- Mình được giải thật ư? Mình được giải thật à?
Ông cứ lẩm nhẩm như thế mãi cho đến khi con Thu
loe xoe:
- Chủ nhật này ba mẹ cháu về, cháu bảo phải thuê chiếc ô tô đón cả ông lẫn bà lên tỉnh nhận giải. Họ trao giải đúng ngày 19-5 bà nhỉ?
Ngoài vườn, dàn hợp xướng ve lại cất lên râm ran. Hình như hôm nay âm lượng của chúng to hơn mọi ngày thì phải. Xốn xang lắm, tưng bừng lắm.
Tối đó, hay tin, các cụ trong Hội Người cao tuổi kéo đến đông đủ để chúc mừng thầy giáo Hải. Họ yêu cầu ông Hải hát cho họ nghe bài hát thông báo đã được giải của tỉnh. Rồi thơ, rồi nhạc... Tiếng nói cười ồn ã râm ran cho mãi tới tận khuya. Cả nhà thầy giáo Hải vui như trong ngày hội.
Ngay hôm sau, ca khúc “Tháng Năm nhớ Bác” của ông Hải đã được các cụ trong câu lạc bộ thơ, rồi con Thu và mấy thanh niên truyền cho mọi người. Làng Đông rộn rã hẳn theo khúc hát của
ông Hải.
Ngày ông Hải lên tỉnh nhận giải, ba mẹ Thảo thuê ôtô đưa cả hai ông bà đi. Hội trường tỉnh trang hoàng lộng lẫy. Cờ hoa rợp trời từ cổng. Quan khách tất bật bắt tay chào hỏi. Tiếng nói cười xôn xao. Bà Ngân từ bé đến giờ chưa chứng kiến cảnh này bao giờ nên bối rối, hồi hộp lắm. Đích thân ông Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng đến mời ông Hải lên ngồi hàng ghế đầu. Trên phông chính, nổi bật dòng chữ “Tháng năm nhớ Bác” hệt như tựa đề bài hát của ông Hải và Lễ sơ kết trao giải cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Sau chương trình văn nghệ công diễn các tác phẩm được giải (trong đó có ca khúc của ông Hải) là diễn văn kỷ niệm Ngày sinh của Bác và công bố các quyết định giải thưởng. Ông Hải lên nhận giải ngập trong tiếng nhạc và hoa chúc mừng. Phải cố ghìm nén lắm ông mới khỏi bật ra tiếng khóc. Ôm hoa và tấm bằng chứng nhận, khi qua bức tượng Bác Hồ, bỗng dưng hai giọt lệ cứ lăn dài trên má ông Hải. Ông khẽ gọi: “Bác Hồ ơi!” và trôi đi trong tiếng nhạc tưng bừng của ngày hội. Dưới hội trường, bà Ngân cũng trong tâm trạng ấy. Cả đời làm ruộng của bà đây là giây phút hạnh phúc nhất, tự hào nhất. Hội trường rầm rập tiếng vỗ tay và tiếng reo hò chúc mừng không dứt. Phía sau bà, mấy cụ nghỉ hưu của thôn Đông, rồi lãnh đạo xã cũng vừa đến kịp để chúc mừng.
Ngoài kia, dàn hợp xướng ve cũng ngân lên râm ran, rộn rã trên tán phượng đang đỏ rực một khoảng trời.
Truyện ngắn của PHI ĐÔNG HẠ