.

Thích Ca Phật Đài và câu chuyện về bảo vệ, khai thác di tích

Cập nhật: 18:28, 15/05/2018 (GMT+7)

“Đi Vũng Tàu là phải đến Thích Ca Phật Đài”. Hơn 10 năm trước, đây là câu nói cửa miệng của du khách thập phương, các công ty lữ hành mỗi khi đến BR-VT. Thế nhưng, hiện nay, nơi đây ngày càng vắng bóng khách du lịch. Một số DN lữ hành đã loại Thích Ca Phật Đài khỏi lịch trình tour tham quan BR-VT. Nguyên nhân vì sao?

KHÔNG CÒN ĐẸP NHƯ TRƯỚC

Thích Ca Phật Đài được xây dựng năm 1961, khánh thành năm 1963. Ngoài những công trình kiến trúc gắn với đạo Phật như: Chùa, tháp chứa xá lợi, tượng Phật nằm, Phật ngồi, vị thế tọa lạc của Thích Ca Phật Đài trên sườn Núi Lớn với địa hình thoai thoải, khuôn viên quanh năm rợp bóng cây xanh, trong đó có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như: Bồ đề, đa, sứ làm tôn thêm nét trang nghiêm, cổ kính cho nơi đây. Từ trước năm 1975, Thích Ca Phật Đài đã trở thành điểm hành hương nổi tiếng của phật tử và du khách mọi miền đất nước. Năm 1989, Thích Ca Phật Đài được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích danh thắng. 

Sáng thứ Bảy (12-5), chúng tôi đến Thích Ca Phật Đài. Thời tiết giữa tháng 5 oi bức nhưng khuôn viên Thích Ca Phật Đài khá mát mẻ nhờ có nhiều cây xanh. Lác đác vài nhóm du khách hành hương, ngắm cảnh. Tuy nhiên, ngay từ cổng vào, khách đã bị đội ngũ người bán nhang, vé số, thức ăn vặt săn đón, chào mời. 2 ngôi chùa: Thiền Lâm và Hộ Pháp thuộc di tích thì khu vực phía trong và trước khá sạch sẽ, có người túc trực lo việc thờ tự, quét dọn, vệ sinh. Tuy nhiên, môi trường bên ngoài 2 ngôi chùa trên rất nhếch nhác. Hai bên lối đi lên tượng Phật nằm, khu vườn tượng tái hiện cảnh Bồ tát xuất gia, nhà Bát giác… trong khuôn viên di tích, lá cây, chai nhựa, hộp xốp, bao nilon vương vãi quanh các gốc cây, hốc đá, mặt sân vườn. Nhiều chỗ rác thải chất đống. Các hàng quán giải khát, mỹ nghệ nằm dọc 2 bên lối lên tượng Phật nằm được che chắn tạm bợ, lều bạt cũ nát, lụp xụp. 

Ông Hoàng Hùng Mạnh (59 tuổi, ngụ tại 214/36, Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) cùng nhóm bạn tham quan di tích và vãn cảnh chùa cho biết, ông đã đến Thích Ca Phật Đài 2 lần trước vào các năm 1980 và 1999. Lúc đó, cảnh quan di tích đẹp, môi trường sạch sẽ, các công trình kiến trúc rất mới. “Lần này trở lại sau gần 20 năm, tôi khá thất vọng vì trong khuôn viên di tích có quá nhiều rác. Các quầy bán hàng lưu niệm xập xệ, cũ nát. Người bán hàng rong đeo bám ngay từ cổng vào khiến tôi rất phiền lòng”, ông Mạnh bày tỏ.

Ngay trước cổng vào di tích Thích Ca Phật Đài, người bán hàng rong, vé số đeo bám, chèo kéo du khách.
Ngay trước cổng vào di tích Thích Ca Phật Đài, người bán hàng rong, vé số đeo bám, chèo kéo du khách.

DI TÍCH BỊ XÂM HẠI

Từ năm 1989 đến năm 2002, Thích Ca Phật Đài do Bảo Tàng tỉnh quản lý. Sau đó, căn cứ vào Quyết định số 4338/2002/QĐ-UB ngày 14-6-2002 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và sử dụng di tích danh thắng Thích Ca Phật Đài, Bảo tàng tỉnh đã bàn giao di tích cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh quản lý đến nay. Trước khi bàn giao, Bảo tàng tỉnh đã xây tường rào bao quanh khuôn viên di tích trên diện tích 29.700m2

Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn tường rào đã bị phá bỏ vì một số cơ sở tôn giáo nằm giáp ranh đã mở lối đi qua Thích Ca Phật Đài gồm: Viên Thông Thiền xá, Cốc Di Lặc, Tịnh thất Hoa Sơn, chùa Phật Mẫu. Báo cáo của Công an TP.Vũng Tàu về kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu khu vực giáp ranh thắng tích Thích Ca Phật Đài cũng cho thấy, ngoài các cơ sở tôn giáo trên thì 135 hộ gia đình thuộc các tổ 74, 75, 76 (khu phố 7, phường 5) nằm phía sau Thích Ca Phật Đài cũng sử dụng 4 lối lên xuống băng qua khuôn viên Thích Ca Phật Đài. Ngoài ra, bên trong di tích có 1 hộ gia đình và bên trái cổng vào di tích cũng có 4 hộ dân sinh sống sử dụng lối đi qua di tích này khiến Thích Ca Phật Đài từ một danh thắng nổi tiếng gắn với tôn giáo dần mất đi vẻ trang nghiêm và kém hấp dẫn du khách. 

Người dân đi lại, sinh hoạt ngay trong khuôn viên di tích.
Người dân đi lại, sinh hoạt ngay trong khuôn viên di tích.

Thực trạng trên khiến nhiều DN lữ hành đã loại Thích Ca Phật Đài khỏi danh sách điểm đến tại BR-VT. Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc OSC Việt Nam Travel cho biết, từ Thích Ca Phật Đài, du khách có thể dễ dàng quan sát khu vực Bến Đá-Bến Đình với cảnh tàu thuyền ra vào tấp nập, cảnh quan thoáng đãng và tịnh tâm trải lòng, nên du khách rất thích. Trước đây, OSC Việt Nam Travel thường đưa khách đến đây trong tour tham quan BR-VT. “Tuy nhiên, từ năm 2010, chúng tôi đã loại di tích này khỏi lịch trình vì quá nhếch nhác, lộn xộn. Gần đây, chúng tôi đi khảo sát lại với mong muốn đưa trở lại vào tour nhưng mọi thứ vẫn chẳng có gì khá hơn”, bà Nguyễn Thị Thương nói. 

Người ăn xin trong khuôn viên di tích Thích Ca Phật Đài. Ảnh: THANH LƯƠNG
Người ăn xin trong khuôn viên di tích Thích Ca Phật Đài.

Trong cuộc họp bàn giải pháp thu hút cải thiện thực trạng Thích Ca Phật Đài do UBND TP.Vũng Tàu tổ chức cuối tháng 4, đồng chí Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu đã yêu cầu các phòng, ban liên quan đến hết tháng 6-2018 phải khảo sát, báo cáo và đưa ra phương án cụ thể nhằm bảo vệ Thích Ca Phật Đài, như: Tổ chức đo vẽ, xây tường rào quanh di tích; sắp xếp lại khu vực để xe, dẹp bỏ nạn hàng rong; sắp xếp lối đi cho các hộ dân và những cơ sở tôn giáo khác không thuộc quần thể di tích; tổ chức lại các hộ dân buôn bán bên trong quần thể di tích về một vị trí phù hợp; đề nghị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh phối hợp Ban quản trị di tích kêu gọi các DN du lịch xây dựng tour, tuyến đưa khách đến di tích; kêu gọi xã hội hóa trùng tu, nâng cấp di tích nhằm đưa Thích Ca Phật Đài hấp dẫn khách hành hương như trước đây.

Câu chuyện về Thích Ca Phật Đài có thể coi là một minh chứng sinh động cho những tổn thất đến từ sự thiếu hiệu quả trong quản lý, sử dụng, khai thác và bảo vệ di tích. Nếu không sớm có các giải pháp đồng bộ, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh tại BR-VT đang có nguy cơ rơi vào cám cảnh tương tự.

Sở Nội vụ đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT phối hợp UBND TP.Vũng Tàu, UBND phường 5 xây dựng và triển khai kế hoạch sắp xếp, bố trí lại các quầy hàng kinh doanh, bãi giữ xe tại di tích. Đồng thời, đề xuất UBND TP.Vũng Tàu, UBND phường 5 có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng rong, ăn xin, cư trú bất hợp pháp gây mất ANTT và mỹ quan trong và ngoài khuôn viên di tích; phối hợp các cơ quan chức năng xử lý việc chiếm dụng, xây nhà ở trái phép trong khu vực 1 thuộc khu di tích Thích Ca Phật Đài; mở đường đi riêng cho các hộ dân và các cơ sở tôn giáo không thuộc quần thể di tích. 

(Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh)


Theo Công an TP.Vũng Tàu, việc người dân, cơ sở tôn giáo sử dụng chung lối đi trong khuôn viên Thích Ca Phật Đài thời gian qua khiến di tích bị “chia cắt”, phức tạp về ANTT. Nơi đây thường xảy ra các vụ việc cãi lộn do mâu thuẫn giữa du khách, người buôn bán hàng chèo kéo du khách, khiến di tích dần mất điểm trong lòng du khách.

Bài, ảnh: MINH QUANG, ĐĂNG KHOA

.
.
.