Ký ức cổng làng
Ảnh: Internet |
Tôi từng được nghe câu chuyện về một người lính già khi gần đất xa trời có khao khát cháy bỏng là được về thăm quê, được tự tay xắn áo lần sờ vào những vỉa tầng cổng làng nơi chôn nhau cắt rốn lần cuối, rồi có chết cũng thỏa lòng. Cuối cùng, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, con cháu đưa cụ về quê thực hiện di nguyện. Nhưng khi tìm về tới nơi thì... người xưa còn đó mà cổng làng nay đâu? Người lính già với ánh nhìn xa xăm, bùi ngùi, rưng rưng trước thế thời thay đổi.
Ai từng được sinh ra từ làng, hẳn không còn xa lạ với cái cổng làng. Nó chính là con mắt, là linh hồn của làng quê. Thời xa xưa, người làng dựng cổng rồi cắt phiên người canh giữ, đề phòng giặc giã, trộm cướp. Nếu có điều bất ổn sẽ gióng lên hồi trống hoặc kẻng báo động. Cổng làng được xây bằng sò, khá hơn thì bằng gạch hay đơn giản chỉ là bụi tre, hai bên nối dài bao bọc lấy làng, xung quanh thường đào kênh, rạch... Có nơi cổng làng bình dị lắm, cây đa, cây gạo trăm tuổi cũng được xem là cái cổng của làng.
Cổng làng chính là cửa ngõ đời sống tinh thần của người làm nông, là hồn cốt của làng, là nơi đón sinh khí, phúc lộc và những điều tốt đẹp mang thịnh vượng đến cho dân làng. Cổng làng chứng kiến bao chuyện buồn vui của làng từ những ngày khai cơ lập ấp. Mỗi sớm mai, người làng bước ra từ đó để đi học, đi làm. Cổng là nơi dừng chân của mẹ sau buổi thăm ruộng về qua, là nơi nghỉ chân của cha sau buổi cày vất vả. Ở đó, những đứa trẻ quê đắm mình trong những trò chơi dân gian vui bất tận.
Và có lẽ, đôi chân bước ra từ cổng làng của những người lính trẻ năm nào càng mang nặng ưu tư. Dẫu “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”, nhưng trong lòng không khỏi nao nao. Bởi bước vào bom đạn chiến tranh không ai biết được điều may rủi nào đang đón đợi mình. Vẫn mong, vẫn tin, vẫn tâm niệm một điều thiêng liêng nhất: “Hôm nay tôi đi nhất định có ngày trở về!” mà sao bước chân anh vẫn vấn vương, bịn rịn? Nhưng rồi anh lính nghĩ bao giờ Tổ quốc mình sạch bóng quân thù thì ngôi làng của anh và bao ngôi làng khác mới được bình yên. Và rồi anh dứt bước ra đi, “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.
Tiễn người ra đi, kẻ ở lại vẫn sắt son đợi chờ. Hình ảnh người yêu, người vợ, người mẹ thấp thỏm chờ người yêu, chờ chồng, con nơi cổng làng mỗi buổi chiều tà, thời buổi nào cũng đều gợi nhiều suy tư. Chẳng phải vậy mà nó nghiễm nhiên đi vào văn chương, ca từ đó thôi! Cổng làng chứng kiến biết bao cuộc chia ly, hội ngộ.
Đâu đó giữa dòng đời tấp nập, hình bóng quê nhà cuộn lên trong tâm thức, thôi thúc những bước chân trở về. Biết bao người đã phải xao lòng khi đứng trước cái cổng làng rêu phong, nhuốm màu xưa cũ? Lời thì thầm của cây đa già thâm nghiêm, của lũy tre lao xao ngày hạ, của cây gạo rực rỡ tháng ba có sức lay mạnh mẽ, vượt ra khỏi giới hạn không gian và thời gian. Bởi đơn giản một điều đó là “mảnh hồn làng”. Mảnh hồn đã in sâu, ghi tạc trong máu xương của mỗi người tha hương.
Đời sống hiện đại, kinh tế đi lên, nhiều chiếc cổng làng xưa cũ đã được thay bằng chiếc cổng chào bề thế. Biết rằng, sự thay đổi đó như một lẽ tất yếu của sự phát triển, nhưng người đi xa lâu ngày về thăm quê hương, vẫn cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối vì không còn chiếc cổng làng cũ gắn với tuổi thơ của mình. Tiếc, nhưng biết làm sao được.
NGUYỄN HÒE