.

Nắng mưa cũng chờ

Cập nhật: 10:06, 16/03/2018 (GMT+7)
Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Xóm lao động nằm tách biệt hoàn toàn với vẻ phồn hoa của thành phố ồn ã, buổi chiều rộn ràng, vài người phụ nữ túm tụm ngồi bên lề đường xõa tóc ra hong. Lại một gia đình khác dọn về xóm. Dường như ai đến đây cũng đã từng trải qua những giông tố trong cuộc đời, khổ đau hay thất bại. Người trong xóm lao động cũng cơm ngày hai bữa, rau trứng no lòng, ngày vật lộn với cuộc mưu sinh, đêm thấp thỏm nghĩ về đoạn đời kế tiếp. Đòn gánh oằn vai, tiếng rao hàng thân thương và giọt mồ hôi rơi trên bước đường mưu sinh vất vả đã trở thành món đặc sản của con phố này tự thuở nào…

Sáng sớm, Luống lom khom dọn hàng cơm tấm ra trước ngõ. Chỗ bán cơm Luống thuê lại của người đàn bà nhà cao cửa rộng nhất xóm. Lâu lâu, người trong xóm mới thấy bà chủ đứng trước hàng ba cầm chổi quét lá, nói vu vơ mấy câu rồi đi vào. Cũng có khi người ta thấy bà trong đầm váy sang trọng, mắt xanh môi đỏ tay che dù đi ngoe nguẩy trên con đường ngổn ngang đất đá. Hỏi đi đâu thì bà bảo đi ăn tiệc nhà ông này bà kia trên thành phố. Tháng trước, Luống thuê chỗ bán cơm tấm, đầu tháng sau bà đã vội gom tiền mặt bằng, lại bắt Luống những hai tháng “dằn cọc”, Luống xuống giọng:

- Dì Chín thương con, đóng thêm chắc tháng này mẹ con con nhịn đói.

- Cơm tấm nè, đói nỗi gì? - bà gạt phắt.

Luống năn nỉ:

- Con mới đến đây, bán buôn đâu được bao nhiêu đâu Chín?

Bà tặc lưỡi, gằn giọng:

- Thôi thôi, vòng vo mãi, đóng lẹ lẹ để tôi còn sửa soạn đi ăn tân gia nhà ông chủ tịch, trễ bây giờ.

Bà vờ lướt điện thoại xem giờ, vừa tặc lưỡi. Luống bấm bụng giở cọc tiền lẻ ra đếm rồi đưa cho bà chủ. Bà nhận tiền rồi biến mất. Luống ngồi phe phẩy chiếc quạt mo đuổi ruồi bay là đà trên hàng cơm, lòng héo hắt. Xế trưa, mấy con chim vành khuyên đậu trên cành bằng lăng đánh rơi tiếng hót xuống mặt đường. Sực nhớ ra Ý vẫn chưa về, Luống thoáng lo ngại…

***

Ngày hai mẹ con Luống dắt díu nhau về phố sinh sống, trời đổ mưa. Mùa ngâu trải dài hai bên con đường lạ. Ngồi trên tàu, chốc chốc Ý lại ngẩng mặt ra ô cửa nhìn dáo dác. Mới hôm qua, tàu còn dừng lại ở ga Huệ Sơn mà hôm nay tàu đã rì rầm trên vùng đất lạ hoắc. Ý đã quen với những dãy núi tiêu sơ, với ngọn gió khô phần phật mỗi sáng mỗi chiều hay những đêm trăng rằm lửng lơ phía vòm trời. Chỗ Ý ở ven biển miền Trung, cát trắng thênh thang, nắng vàng nhuộm hoe mái tóc. Vị biển mặn mơ hồ thấm sâu vào da dẻ Ý. Những đợt gió Lào bất chợt đến bất chợt đi trở thành nỗi niềm nhớ thương. Giờ thì Ý cảm giác con tàu đang lướt băng băng trên đất lạ, hai bên là đồng ruộng mênh mông, những hàng cây chạy ngược về phía toa tàu cuối cùng khiến mắt Ý nhòe nhòe, buồn miên man. Ý nghĩ bụng không biết chừng nào mình mới có dịp trở về với biển thêm một lần nữa, không biết chừng nào mình mới được hít mùi vị hăng hăng theo gió từ đại dương thăm thẳm bay vào, không biết chừng nào… Ý gục đầu vào vai mẹ, ngủ thiếp đi.

***

Mấy bữa ngồi một mình đợi khách, gió thiu thiu, khói nướng thịt xông vào mắt cay xè làm nước mắt Luống lã chã rơi. Luống mủi lòng nghĩ về ngày cũ. Mười chín tuổi, Luống đang đi học, đùng một cái mẹ bắt Luống về nhà lấy chồng. Luống mếu máo:

- Mẹ đừng bắt con nghỉ học, con sợ đời con cũng giống như các cô, các chị quê mình, suốt đời quẩn quanh với con thuyền, tấm lưới.

Mẹ Luống trấn an:

- Con đừng lo, mẹ ngó kỹ rồi, thằng này tốt tướng lắm! Mà nhà nó lại khá giả, biết đâu nhờ vả tấm thân con à!

- Nhưng, con đâu có thương người ta? Bắt về sống cảnh vợ chồng sao hạnh phúc hả mẹ?

- Tao với ba mày ngày trước cưới nhau cũng có thương yêu gì đâu - giọng mẹ lắng xuống - Nhẫn nhịn với nhau, ăn ở thuận hòa rồi cũng sống được đến tận bây giờ nè.

Chuyện cưới hỏi có mẹ Luống với bà mai lo liệu. Đêm trước ngày theo chồng, Luống nằm trong buồng khóc sưng cả mắt. Đèn dầu hiu hắt, bóng trăng mười sáu xuyên qua màn đêm rọi vào mái tóc buông dài của Luống. Ngày mai Luống khóa kín tuổi xuân, một bước theo chồng rời khỏi căn nhà rêu gió. Luống ngồi vuốt phẳng chiếc áo dài xếp vào ngăn tủ, gói ký ức tuổi trẻ ném vào khoảng trời xa xăm. Một đợt gió nữa lại thổi, tiếng biển đêm rì rào vỗ vào bờ đá như quy luật muôn đời. Giọt nước mắt Luống khẽ rơi trên mặt bàn. Nửa đêm, Luống ngồi dậy vấn lại mái tóc rối bù, với tay lấy chai dầu dừa trên đầu giường đổ ra tay rồi vuốt nhẹ lên làn tóc. Từ cái thuở biết điệu đà, Luống đã giữ cho mái tóc dài, không cắt. Mái tóc theo Luống trên con đường đến trường, trong những chiều ngồi một mình trên bờ biển vắng mà nghĩ về “ngày mai”. Mái tóc theo Luống qua những tháng năm vất vả trong đời, bây giờ nó được cuộn gọn ghẽ phía sau gáy Luống buồn không chải. Những lúc Luống ra bến thuyền ngóng Sử, đợi chiếc thuyền nhỏ có cái khạp nước phía sau trở về. Những ngày biển động, lòng Luống chơi vơi, Luống hấp tấp đội nón lá chạy ra bờ cát rồi chạy vào. Gió lạnh sắt se. Luống thoáng rùng mình mỗi lần nghe tin bão dữ vang lên qua giọng nói trầm ấm của cô phát thanh viên trên chiếc radio chập chờn…

Mẹ Luống nói đúng: “ăn ở thuận hòa, nhẫn nhịn lẫn nhau thì mọi chuyện sẽ bình yên, vợ chồng lại hạnh phúc”. Luống đã sống trọn vẹn những tháng ngày bên Sử. Tờ mờ sáng, Sử khệ nệ khiêng tấm lưới vó xuống thuyền, Luống lúi húi chuẩn bị chút lương thực để chồng ra khơi. Khi hoàng hôn buông xuống mặt biển, Luống choàng khăn dắt Ý ra bến thuyền đợi Sử trở về. Trong vô biên trời đất, một cánh chim nghiêng phía mây trắng bạc màu. Mặt trời to dần rồi chìm nghỉm xuống mặt nước để lại mặt đất và bầu trời một màu đen sâu thẳm, huyền ảo. Trong gian nhà nhỏ, Luống và những ngày an vui, tiếng cười và những lần chở nhau trên chiếc thuyền chòng chành ngoài bến nước. Trên bãi cát dài, có những cuộc đợi chờ, những lần xa nhau kể từ khi mặt trời nhú lên cho đến khi hoàng hôn sóng sánh vỗ bờ. Có lần trở về trong bình an, cả những cuộc đi mãi không về… như cuộc đi của Sử trong một đêm biển động.

Biển bao dung, biển ân tình, biển che chở…

Nửa năm trời, sáng chiều hai lượt, Luống dẫn con ra bờ biển đợi chồng. Ý ngây ngô bảo:

- Đợi mãi ba cũng đâu có về? Ba đi luôn rồi!

Mặt Luống đanh lại, lần đầu tiên trong đời Luống vung tay tát vào má Ý một cái rõ đau. Ý không khóc. Biển dạy cho Ý sự mạnh mẽ, kiên cường. Ý thôi học ở trường. Luống xót xa rời bỏ căn nhà miền biển dắt tay con vào Sài Gòn sinh sống. Ngày Luống đi, mẹ chạy theo ra nhà ga cầm tay Luống khóc mướt. Mẹ bảo:

- Nỗi gì phải bỏ quê bỏ biển mà đi, hả con?

Luống cười nhạt, tay xoa xoa bờ vai hao gầy của mẹ:

- Mẹ à! Mẹ nói đúng, sống với nhau thì tình nghĩa sâu nặng. Mà sâu nặng thì làm sao con quên chồng con cho được? Đi cũng là cách để con nguôi ngoai nỗi đau…

Luống quay sang nhìn Ý:

- Ý, lại chào bà ngoại rồi đi, con!

Ý dụi đầu vào ngực ngoại, nước mắt giọt vắn giọt dài.

***

Tàu đến, tiếng còi hú dài trong màn sương. Tàu dừng lại ở ga Huệ Sơn, mẹ con Luống nắm tay nhau bước lên toa tàu. Qua khung cửa kính, Luống vẫn còn trông thấy mẹ đứng ngẩn ngơ trên mảnh đất quê hương, bàn tay vẫy vẫy và miệng nói một điều gì đó mà Luống không nghe được. Đoàn tàu chuyển bánh, Luống khép mắt lại mơ về miền biển thân thương, về Sử, về ngôi nhà nhỏ nơi làng chài ngày đêm nghe được chất biển mặn mòi quen thuộc. Vào Sài Gòn, hành lý chỉ là cái túi vải đựng mấy bộ quần áo, chút lộ phí và cả nỗi buồn chất chứa trong lòng.

Luống mở quán cơm tấm đầu ngõ. Sáng sớm, Luống lọc cọc đạp xe ra chợ mua rau, mua thịt rồi dọn hàng. Có hôm Ý thức sớm phụ mẹ quét lá khô trên mặt đường dọn hàng quán. Những ngày gió lạnh, Luống bảo Ý ngủ thêm chút nữa để sáng dậy đi học. Ý kéo chăn đắp ngang mặt. Vậy mà Luống đang loay hoay dọn dẹp bỗng thấy Ý mắt nhắm mắt mở đi ra, đầu chưa kịp chải. Ý vốn chăm chỉ, lại lễ phép, ngoan hiền, xóm ai cũng thương.

Mấy ngày đầu hàng cơm Luống bán ế ẩm. Khách quen ăn ở những quán khác từ trước, thấy quán Luống mới mở, họ bĩu môi: “Chẳng biết ngon không?”. Cơm Luống nấu trắng ngần, thịt nướng vừa chín, lại trang trí bắt mắt. Từ từ quán cơm đông khách, có hôm Ý đi học một mình Luống chạy tới chạy lui không xuể. Khách bảo Luống thuê thêm người phụ bán cho đỡ cực, Luống cười:

- Lâu lâu quán em đông được một bữa, phải ngày nào cũng đông vậy thì mẹ con em đỡ vất vả biết bao.

Khách cười:

- Rồi sẽ khá lên thôi cô à.

Chiều hôm ấy, Luống ngồi tựa cửa. Xóm trọ vắng tanh, gió thổi mấy đợt bụi bay vào mắt. Luống đứng dậy dụi dụi mấy cái định bước vào trong nhà thì loáng thoáng thấy một bóng hình quen thuộc đứng tần ngần trước xóm. Cái dáng cao cao, mái đầu húi cua. Bóng dáng gầy guộc, khuôn mặt tảo tần gió sương không lẫn vào đâu được.

Không biết người đàn ông đã nhìn thấy Luống hay chưa mà đôi mắt đục ngầu, hoe đỏ. Nắng rực phía chân trời. Phố trở mình trong một chiều xác xao nắng gió. Tim Luống đông lại, nỗi nhớ ùa về dợn dợn trong lòng. Trong thanh âm đất trời, Luống thoáng nghe có tiếng biển xôn xao vỗ vào bờ đá, tiếng gió rì rào và cánh hải âu bay chập chờn giữa mù khơi sóng nước.

***

Ngày đó, người đàn ông bị sóng biển cuốn trôi. Những người đi trên chiếc ghe cào vớt được rồi mang anh đến một bến bờ xa lạ. Anh không chết. Anh sống lại sau những ngày giông bão trong đời. Có người nói rằng: thời gian âm thầm cướp đi của người ta cái gì thì sẽ trả lại cho người ta cái đó. Chiều nay, có người trở về bằng giai điệu biển khơi, sóng và gió trời miên man da diết. Một giọt nước mắt. Hai giọt nước mắt. Những giọt nước mắt êm đềm lăn xuống đôi gò má của Luống…

Đâu tiếng ru con vọng lại nghe mà xốn xang cõi lòng:

“Hò ơ… ơ… ơ… /Cây đa cũ, bến đò xưa/Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ…”.

Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY

.
.
.