Mùa Xuân trong thi ca
Sau mùa Đông lạnh lẽo, cây lá trơ trụi, mùa Xuân đến, cây cối nảy mầm xanh lộc biếc, vạn vật như hồi sinh. Có lẽ vì thế mà mùa Xuân được chọn làm mùa khởi đầu của một năm, cũng là mùa đẹp và nhiều ý nghĩa nhất. Và mùa Xuân luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho thi nhân.
Hội viên Ngọc Oanh (Chi hội VHNT TP.Bà Rịa) ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam. |
Các nhà thơ danh tiếng của Việt Nam, từ cổ chí kim dường như không ai không có một đôi câu, đôi bài về mùa Xuân. Nói đến thơ Xuân, trước hết phải nhắc tới những câu thơ của thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096): Xuân đi trăm hoa rụng / Xuân đến trăm hoa cười / Trước mắt việc đi mãi / Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua, sân trước, một nhành mai.
Gần ngàn năm qua bài thơ tổng kết về quy luật của trời đất, đời người đó vẫn vang vọng mãi trên thi đàn dân tộc.
Các nhà vua thời Trần không chỉ là những minh quân giỏi đánh giặc, trị nước mà còn là những nhà thơ lớn. Trong đó, vua Trần Nhân Tông đã có đến cả chục bài thơ Xuân, nổi tiếng là bài thơ “Cảnh Xuân”: Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày / Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay / Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế / Cùng tựa lan can nhìn núi mây. (Bản dịch thơ của giáo sư Nguyễn
Huệ Chi).
Mùa Xuân không chỉ làm xao xuyến tâm hồn của những thi nhân rảnh rỗi đã gác bỏ việc trần thế tìm nơi yên tĩnh, tu tâm, tĩnh khí, sống theo bản ngã của mình mà còn mê hoặc cả những nhà chính trị, quân sự tài ba như Nguyễn Trãi: Sắc xuân bên mắt khiến người say (Đêm đậu thuyền ở cửa biển).
Trong “Truyện Kiều”, đại thi hào Nguyễn Du có hàng chục lần nhắc đến mùa Xuân. Và bức tranh mùa xuân tuyệt mỹ hiện ra: Cỏ non xanh rợn chân trời / Cành lê trắng, điểm một vài bông hoa. Câu thơ đã trở thành câu thơ về mùa Xuân kinh điển, mà dường như người Việt Nam nào cũng thuộc.
Cùng thời với Nguyễn Du, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, một con người luôn ngạo nghễ cười cợt, khinh khi mọi sự nhưng cũng đều xiêu lòng trước vẻ đẹp của mùa Xuân. Những câu thơ tả cảnh đi chùa, lễ hội trong “Đánh đu”, “Chơi khán đài”, “Động Hương Tích” hay sự so sánh giữa vẻ đẹp của mùa Xuân với thiếu nữ trong tranh “Đề nhị mỹ nhân đồ”, đều cho thấy tâm hồn nữ sĩ đã từng mềm yếu trước nàng Xuân.
Các nhà thơ tài danh đầu thế kỷ XX như Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… cũng có những bài thơ Xuân đặc sắc. Thơ Xuân của Tản Đà là những dòng khai bút ngông nghênh: Gặp xuân ta giữ Xuân chơi/Câu thơ chén rượu là nơi đi về/ Hết Xuân, cạn chén, Xuân về/ Nghìn thu nét mực Xuân đề vẫn Xuân! (Gặp Xuân).
Trong khi đó, thơ Xuân của Nguyễn Khuyến lại thường đằm thắm, sâu sắc và phảng phất buồn: Mong Xuân, Xuân đến không hay / Hạt mưa lất phất từng mây im lìm. (Xuân Nhật - số 3).
Mùa Xuân là mùa của sự tươi mới nên nhắc nhiều đến Xuân nhất phải là các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới. Có những thi sĩ nổi tiếng với hàng chục bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của mùa Xuân như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ và cũng có những người được nhắc đến mãi chỉ bởi một bài thơ như tác giả Vũ Đình Liên: Mỗi năm hoa đào nở / Lại thấy ông đồ già / Bày mực tàu, giấy đỏ / Bên phố đông người qua /…Năm nay đào lại nở / Không thấy ông đồ xưa / Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?
(Ông đồ).
Những nhà thơ lừng danh trong phong trào Thơ Mới như Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… đều có những bài thơ đặc sắc về mùa Xuân. Nếu như Nguyễn Bính đón Xuân về với tiếng reo vui nơi thôn quê: Đây cả mùa Xuân đã đến rồi / Từng nhà mở cửa đón vui tươi. (Thơ xuân), thì Xuân Diệu lại thấy Xuân luôn có sẵn trong lòng: Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi Xuân đến đã lâu rồi. (Nguyên đán). Ông cũng giục mình, giục người “mau lên chứ, vội vàng lên với chứ” vì thấu hiểu quy luật: Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non, nghĩa là Xuân sẽ già. (Vội vàng).
Nhưng có lẽ những câu thơ mùa Xuân được các thiếu nữ nhắc đến nhiều nhất trong dòng thơ mới lại là những liên tưởng ám ảnh trong thơ Hàn Mạc Tử: Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời / Bao cô thôn nữ hát trên đồi / Ngày mai trong đám xuân xanh ấy / Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi. (Mùa Xuân chín).
Mùa Xuân như chiếc đũa thần biến nàng lọ lem thành cô công chúa xinh đẹp, làm động lòng không chỉ những thi sĩ vốn có tâm hồn lãng mạn mà cả những nhà thơ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tố Hữu là đại diện cho những nhà thơ này khi giữ kỷ lục về số lượng những bài thơ Xuân hay nhất. Thơ Xuân Tố Hữu thường là những khúc ca khi trữ tình, lúc hào sảng ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước: Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt / Nắng soi gương giọt long lanh... / Ôi tiếng hót vui say con chim chiền chiện / Trên đồng lúa chiêm Xuân chao mình bay liệng/Xuân ơi Xuân, vui tới mông mênh. (Bài ca mùa Xuân 1961).
Những đêm giao thừa của 50 năm về trước, niềm quan tâm lớn nhất của hàng triệu người dân Việt Nam trong thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới là những vần thơ chúc Tết của Bác Hồ. 24 năm là người đứng đầu Chính phủ, hầu như năm nào Bác cũng làm thơ chúc Tết. Những bài thơ chúc Tết của Bác thường có chung những ý tưởng; chúc mừng năm mới, khen ngợi, cổ vũ các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thi đua hoàn thành nhiệm vụ, đôi khi lời thơ còn vang lên như hiệu lệnh tấn công: Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà / Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ / Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta! (Thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968).
Nếu thơ chúc Tết của chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ dành cho quảng đại nhân dân, bài nào cũng gần gũi, thân thương, đơn giản, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc, nói như Bác đó là “Mấy câu thành thật nôm na / Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân” thì những bài thơ Xuân của thi nhân Hồ Chí Minh lại vô cùng tinh tế, sâu sắc và hàm chứa nhiều triết lý sâu xa, xứng đáng là những bài học tư tưởng có giá trị nghệ thuật cao: Nếu không có cảnh Đông tàn / Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày Xuân / Nghĩ mình trong bước gian truân / Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng. (Tự khuyên mình).
Và một trong những bài thơ Xuân nổi tiếng ấy đã trở thành bài thơ được dùng để mở màn cho “Ngày thơ Việt Nam”, tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm, suốt 16 năm qua. Đó là bài “Nguyên tiêu” được Bác viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1948: Rằm Xuân lồng lộng trăng soi / Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền. (Bản dịch của Xuân Thủy).
Bài thơ được viết theo phong thái thơ Đường, thể thất ngôn tứ tuyệt. Thiên nhiên với đầy đủ sương khuya, dòng sông, mặt nước, con thuyền và nhất là ánh trăng rằm lung linh, sắc Xuân kết hợp với tâm hồn xuân thư thái của những người cách mạng trọng yếu vừa bàn xong việc quân cơ, đang đắm mình với khung cảnh nên thơ trước mắt đã làm nên một bức tranh thủy mặc đẹp đến
nao lòng.
Buổi tao ngộ viên mãn giữa trời, trăng, mây, nước, con người trong bức tranh mùa Xuân quyến rũ đã đưa “Nguyên tiêu” trở thành kiệt tác về thơ Xuân của chủ tịch Hồ Chí Minh và góp thêm một bông hoa ngọt ngào sắc hương vào vườn hoa Xuân rực rỡ của thi đàn Việt Nam.
BÙI ĐẾ YÊN