.
TẠP BÚT:

Về ngang phố cũ

Cập nhật: 11:16, 09/03/2018 (GMT+7)

Đặt những bước chân đầu tiên xuống phố sau mười mấy năm đi xa, vẫn vẹn nguyên trong ta những kỷ niệm. Hàng cây bàng thay lá giờ trơ trọi như dáng người đứng chờ những kẻ tha hương. Vài chồi non đã he hé những mầm xanh đầu tiên sau những tán cành khẳng khiu. Mưa rơi lất phất. Những cơn mưa phùn tháng Ba đặc trưng của Hà Nội. Vài bản nhạc đâu đó vang lên, những khúc tình ca tựa như lời tự sự của ai đó gửi theo nỗi nhớ neo về bao trùm cả tâm trí.

Mẹ dậy từ sớm, đối diện với kiểu thời tiết hanh nồm khó chịu, trong nhà có khi còn ướt hơn ngoài phố. Cha dặn mấy đứa con khi đi phải bấu chặt ngón chân, cấm tiệt mấy đứa quậy phá chạy nhảy trong nhà. Sàn gạch trơn trượt, sểnh cái là té u đầu chứ chẳng chơi.

Thời điểm này, hoa ban đã nở trắng những ngả đường, hoa gạo cũng rục rịch những sắc đỏ tựa như màu của ánh mắt ai đó mỗi bận ngậm ngùi tiễn người đi xa. Chỉ là cách xa nhau hơn một giờ bay, chỉ là cách nhau hai thành phố với hai tên gọi khác nhau, hai kiểu thời tiết đối lập thôi nhưng sao cứ vấn vương mãi thế. Nước mắt vốn không có tội tình gì, dễ rơi vô cùng, nhất là với những người mang trong mình trái tim mềm yếu và mong manh.

Phố chẳng khác là mấy so với ngày ta mới đi. Có chăng chỉ là những rêu phong cỏ úa mang trên mình những hoài niệm dang dở. Cô hàng nước vẫn ngồi đó, với lèo tèo vài chiếc ghế nhựa đủ màu đỏ xanh, vài gói kẹo, vài chai nước tăng lực xếp ngay ngắn. Quán đông khách vào buổi sáng, người gặm vội chiếc bánh mì, kẻ ung dung xem vài ba tờ báo giấy. Bản tin sáng ở những chiếc loa phường sáng nào cũng vanh vách, như một lập trình có sẵn, nhưng một ngày không nghe lại đâm ra nhớ.

Chiều xuống, vẫn là những vị khách ban sáng tranh thủ ghé quán khi tan ca. Một cuộc hẹn với mấy đồng nghiệp cùng công ty, phân thua thắng bại bằng mấy ván cờ tướng sáng nay vội đi còn chưa xác định được người thua kẻ thắng. Vài người thấp thỏm ngồi đợi những chuyến xe ngược về mạn trên, gọi vài ba tách trà, nhấp từng ngụm để cảm nhận vị đắng, vị chát khe khé nơi cổ họng.

Lọt thỏm trong lòng phố là ngôi chùa cổ, chiều chiều lại thả những tiếng chuông ngân kèm theo khói nhang bay ngạt ngào. Ngày rằm, mẹ hay dẫn lũ con đi chùa, nghe tiếng kinh cầu để cho lòng an yên, thanh thản. Đời mẹ thăng trầm bởi bao sương gió, mẹ tin vào những cánh hoa sứ trắng ngần, tinh khôi nơi cửa chùa. Bởi cửa chùa thì luôn luôn rộng mở, như tâm Phật luôn độ lượng với những kẻ lầm lỡ tìm về mà thống hối ăn năn.

Chẳng thế mà mùng một hay ngày rằm, ngày lễ, cửa chùa đông đúc những phật tử khắp nơi tìm về. Phố lại nhộn nhịp hơn bởi những dòng người hối hả với hoa, với nhang nối bước nhau lướt qua, cùng với lòng thành kính.

Đi xa ta nhớ về phố. Nhớ chiếc ban công chật hẹp nhưng chất đầy những chậu hoa cha mang về và đặt ngay ngắn. Ngồi trên ban công, đủ để ta có thể quan sát nhịp sống của phố thay đổi qua từng ngày. Để thấy rằng phố cũng như người, cũng biết buồn, biết vui. Theo năm tháng phố cũng già đi, như bao phận người đã từng gắn liền với phố, nhưng hoài niệm thì luôn còn mãi, dù vài năm, hay vài chục năm đi chăng nữa, khi ta trở về…

SONG NINH

.
.
.