.

Hài quá hóa nhảm

Cập nhật: 09:07, 02/03/2018 (GMT+7)

Mark Twain - nhà văn trào phúng nổi tiếng người Mỹ từng viết: “Sự hài hước là lời chúc phúc lớn nhất của nhân loại”. Tiếng cười đem đến niềm vui cho cuộc sống, hướng đến sự lương thiện, khiến người ta quên đi những hiềm khích cá nhân, san bằng sự bất bình đẳng và là động lực vượt qua nhiều thử thách. Do đó, tiếng cười cũng được coi là may mắn, là sự khởi đầu tốt lành cho một năm mới, một sự kiện sắp diễn ra của một tổ chức, cá nhân… 

LIỀU THUỐC TINH THẦN 

Mảng Văn học trào phúng vốn là thế mạnh trong kho tàng văn hóa nghệ thuật Việt Nam và một trong những điểm nhấn chính là hài kịch - bộ môn nghệ thuật luôn được công chúng đón đợi để làm “liều thuốc quý” cân bằng cuộc sống, giải tỏa những trăn trở, khúc mắc, vượt qua bao thất vọng, buồn đau trong cuộc đời. Bất kể là ai dù gái hay trai, dù già hay trẻ cứ đến với sân khấu hài là được cười, bỏ qua hết mọi chuyện buồn phiền sang một bên.

Nhiều diễn viên hài đã lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả khiến họ yêu mến và trân trọng suốt bao thập kỷ qua. Miền Bắc có: Xuân Hinh, Minh Vượng, Chí Trung, Tự Long, Xuân Bắc, Quang Thắng,  Vân Dung… Miền Nam là các diễn viên: Bảo Quốc, Hồng Vân, Thanh Bạch, Xuân Hương, Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang… Nhiều tiểu phẩm hài với các vai diễn như Ông Hai Lúa đã trở thành nhân vật nhà quê lên tỉnh “kinh điển”, nhiều câu nói của các danh hài đã đi vào đời sống trở thành câu nói cửa miệng hài hước của người dân cả nước.

Nhưng theo nghệ sĩ Thanh Thủy, diễn để cho khán giả cười còn khó hơn khóc, chị nói: “Diễn hài tình huống đòi hỏi nghệ sĩ phải có bản lĩnh sân khấu, kiến thức dày sâu để có thể ứng biến một cách nhanh nhạy, thông minh, tạo ra tiếng cười duyên dáng, trí tuệ”.  

Sân khấu kịch hải ngoại, nhắc đến cái tên soạn giả Ngô Tấn Triển rất nhiều người biết. Ông là tác giả của khoảng 100 vở kịch, được diễn xuất bởi các danh hài nổi tiếng như Hoài Linh, Vân Sơn, Chí Tài, Mai Lệ Huyền... Ông đã có lần tâm sự về những trăn trở trong việc viết kịch bản hài: “Nghệ thuật viết hài kịch không giống như nghệ thuật viết chuyện tiếu lâm, dù cả hai đều lấy cái cười làm mục tiêu. Bởi khi kể một câu chuyện tiếu lâm, bạn phải thuật một câu chuyện có đầu đuôi hấp dẫn để người ta theo dõi. Cuối cùng, bạn có thể buông một câu cho khán giả bật ra cười. Nhưng khi viết hài kịch thì mình không thể để khán giả ngồi yên chỗ chờ cái kết cười mà cái cười phải hiện diện trong từng câu, từng tiểu tiết để dẫn đến cái kết thành công. Nói chung cái cười không ở hồi kết mà cười liên hoàn. Khó là vậy!”.

ĐỪNG THỌC LÉT KHÁN GIẢ

Báo Người Lao Động đã tổng kết rằng chưa có nước nào diễn viên hài nhiều như Việt Nam, và cũng vì thế mà các chương trình hài kịch cũng nhiều đến mức độ loạn, nhảm. Hài kịch tầm phào, dùng các chiêu thức rẻ tiền để thọc lét khán giả không chỉ diễn ra ở một số sân khấu, tụ điểm mà còn diễn ra ngay trên sóng các kênh truyền hình uy tín. “Nhiều cuộc thi hài trên sóng truyền hình có tính chuyên nghiệp không cao. Phải khẳng định ngay là trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên các đài, chỉ với thời lượng ngắn, thí sinh đang học và thể hiện thủ pháp gây cười; còn đường dài để trở thành nghệ sĩ hài là không phải dễ”, nghệ sĩ Thanh Thủy nói tiếp.

Khán giả không khó để tìm thấy những hạt sạn trong các chương trình hài gần đây, với tần suất dày đặc: Thử thách danh hài, Ơn giời! Cậu đây rồi, Đấu trường tiếu lâm, Học viện danh hài, Làng hài mở hội, Bí mật đêm Chủ nhật, Hội ngộ danh hài… Người xem không chỉ bội thực mà còn dẫn đến nổi giận bởi những ngôn từ thô thiển đến mức tục tĩu, những màn chọc cười phản cảm bằng cách lấy khuyết tật cơ thể hay đóng vai đồng tính, giả gái, vốn đã cũ mèm. Tệ hơn, một số chương trình còn có nội dung “bạo lực miệng” như chửi tục, xưng hô mày tao, cưỡng hôn, đánh ghen… Thậm chí, một số tác phẩm sân khấu kinh điển và các tích truyện trong kho tàng văn học dân gian… cũng bị đem ra “chế”, xuyên tạc một cách khó chấp nhận. 

Một số nghệ sĩ đổ lỗi cho người xem, cho rằng thị hiếu của khán giả như thế nên họ “đáp ứng nhu cầu thực tế”. Nhưng nghệ sĩ chân chính là người biết định hướng, nâng tầm tiếp nhận văn hóa chân thiện mỹ chứ không đơn thuần là chiều theo thị hiếu đám đông. Việc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) gửi thư ngỏ đến Đài truyền hình Việt Nam và Ban biên tập chương trình Gặp nhau cuối năm để phản đối chương trình “Táo quân” có nhiều tình tiết xúc phạm, hạ thấp người chuyển giới, đồng tính, khiến nhiều người phải giật mình. Ngay cả một chương trình hài kịch hoành tráng, quy tụ một dàn danh hài đã diễn ra liên tục 15 năm qua trên sóng truyền hình Quốc gia cũng không tránh khỏi những sơ suất. 

Chương trình Táo quân đêm 30 Tết Mậu Tuất 2018 bị nhiều người phản đối vì có nội dung xúc phạm cộng đồng LGBT.
Chương trình Táo quân đêm 30 Tết Mậu Tuất 2018 bị nhiều người phản đối vì có nội dung xúc phạm cộng đồng LGBT.

Edward Bulwer Lytton, nhà thơ, tiểu thuyết gia người Anh nói rằng: “Hài hước là ánh mặt trời của tư duy”. Công chúng yêu nghệ thuận chân chính luôn mong đợi những vở hài kịch tinh tế, sâu sắc, thiết thực từ những nghệ sĩ có tâm và có tầm, có thể ít về số lượng nhưng giàu có về chất lượng, thay vì những tiết mục vội vàng, nông cạn và thiếu sáng tạo.

 VŨ THANH HOA

.
.
.