.

Mùa Đông trong ca khúc Việt

Cập nhật: 09:48, 19/01/2018 (GMT+7)

Nói đến mùa Đông, cảm giác rét mướt, lạnh lẽo, hoang vu ập đến khiến lòng người ngân một nốt nhạc trầm... Thế nhưng, nốt trầm ấy lại không thể thiếu được trong bản nhạc bốn mùa của một năm, lắng những xúc cảm sâu thẳm, đong đầy ký ức và hoài niệm cùng những thông điệp buồn... 

Biết chăng chị? Mỗi mùa Đông, 

Đáng thương những kẻ có chồng như em. 

Vẫn còn thấy lạnh trong tim, 

Đan đi đan lại áo len cho chồng... 

(Bài thơ Đan áo cho chồng - TTKH)

Mùa Đông Việt Nam thường không có tuyết như nhiều nước trên thế giới nhưng cũng tạo nên những thi ảnh riêng biệt trong các tác phẩm: Hình ảnh cây bàng mùa Đông, hình ảnh phố xá hoang vắng, áo len, khăn quàng, mưa phùn gió bấc...  

Trước tiên, chúng ta phải kể đến ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Phan Vũ - Em ơi Hà Nội phố: “Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa Đông/Ta còn em, nóc phố mồ côi mùa Đông/Mảnh trăng mồ côi mùa Đông/Mùa Đông năm ấy/Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân?...”. Khi giai điệu cất lên, một Hà Nội mùa Đông lạnh, buồn nhưng kiêu sa, dù trong chiến tranh hay hòa bình với tiếng dương cầm và tiếng chuông ngân vọng... và hình như hình ảnh ấy trở nên “độc quyền” trong mắt người Hà Nội. Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Thanh Lam, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Tuấn Ngọc đã thể hiện thành công bài hát này.

Nhạc sĩ Phú Quang, tác giả những bài hát nổi tiếng về mùa Đông Hà Nội.
Nhạc sĩ Phú Quang, tác giả những bài hát nổi tiếng về mùa Đông Hà Nội.

Nói về mùa Đông, chúng ta không thể không nhắc đến “Đêm Đông” (1940), bản nhạc tiền chiến bất hủ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương - nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Có thể coi “Đêm Đông” là bài hát mùa Đông buồn nhất, cô độc nhất trong các ca khúc mùa Đông của nhạc Việt. Bài hát nói về nỗi lòng của người phụ nữ hiu quạnh, lẻ bóng trong đêm Đông khi người chồng tham gia chiến trận, thể hiện bằng giai điệu da diết, sâu lắng đến cô độc:  “Đêm Đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu/Đêm Đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng/Đêm Đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư/Đêm Đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…”. Bài hát chạm đến trái tim người nghe qua những giọng hát của cố NSND Lê Dung và danh ca Khánh Ly, Lệ Thu cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng của các thế hệ sau này. 

“Mùa Đông của anh” là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Bài hát này đã được nhiều ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn suốt nhiều thập niên qua... Bài hát mang âm điệu du dương và ca từ lãng mạn, sâu lắng qua các giọng ca: Thái Châu,  Bảo Yến, Lệ Quyên, Lê Hiếu...  “Trời lập Đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi/Để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ rằng người yêu tới/Đêm chia ly em về, đường khuya em bật khóc/Anh xa em thật rồi, làm sao quên mùi tóc/Em hỡi em! Có phải tình băng giá là cuộc tình đẹp trên thế gian...”.

“Nơi tình yêu bắt đầu” là một ca khúc do nhạc sĩ Tiến Minh viết riêng cho bộ phim truyền hình “Siêu thị tình yêu” năm 2009. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, bài hát này tạo cơn sốt mạnh mẽ trong cộng đồng người yêu nhạc Việt Nam sau phần thể hiện của Lam Anh - Bằng Kiều trong chương trình Paris by Night và của Bùi Anh Tuấn tại vòng Giấu mặt cuộc thi Giọng hát Việt. “… Này mùa Đông ơi xin hãy làm tuyết rơi/Để trắng lối em anh về/Này mùa Đông ơi xin hãy làm tuyết rơi/Để em biết anh cần em/Và thời gian ơi xin hãy ngừng chốn đây/Để những dấu yêu đong đầy…”. 

Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến một ca khúc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Phú Quang: “Nỗi nhớ mùa Đông” phổ thơ Thảo Phương, đã được những giọng ca nổi tiếng nhất Việt Nam trình diễn. Bài hát đặc biệt ở chỗ càng nghe càng hay và nếu như bạn là người sinh ra ở Hà Nội rồi một ngày phải chia xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình, bạn sẽ càng thấm thía hơn hồn vía từng con chữ vấn vương theo giai điệu nao lòng: “Làm sao về được mùa Đông/Dòng sông đôi bờ cát trắng/Làm sao về được mùa Đông/Mùa Thu cây cầu đã gãy/Thôi đành ru lòng mình vậy/Vờ như mùa Đông đã về...”. 

Hà Nội lạ vậy đấy, luôn để trong lòng người đi xa những nỗi nhớ da diết khôn nguôi và còn khiến cho những người không sinh ra ở đây cũng “phải lòng” mùa Đông Hà Nội, như trường hợp nhà thơ Bùi Thanh Tuấn, quê ở Lâm Đồng với bài thơ “Chia tay người Hà Nội”, được nhạc sĩ Trương Quý Hải đồng cảm phổ thành bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, khiến bao thế hệ người nghe yêu thích: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/Cái rét đầu Đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh/Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp/Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về...”. 

Còn nhiều bài hát Việt về mùa Đông khiến người hâm mộ mê đắm như Cửa sổ mùa Đông (Dương Thụ), Phố mùa Đông (Bảo Chấn), Mùa Đông sẽ qua (Huy Tuấn), Phố không mùa (Dương Trường Giang), Chiếc khăn gió ấm (ca sĩ, nhạc sĩ Khánh Phương), Mùa Đông không lạnh (Akira Phan)...

Khi những cơn gió vẫn đang se sắt ngoài khung cửa những ngày cuối năm ở phương Nam, hy vọng những giai điệu trầm lắng và dịu dàng của những ca khúc về mùa Đông sẽ mang những ký ức đẹp chuyển tải bằng những giai điệu đẹp tinh tế sẽ khiến lòng người ấm áp hơn, yêu đời hơn.

 VŨ THANH HOA

.
.
.