Tinh gọn bộ máy
Theo Nghị quyết 1256/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành, kể từ ngày 1/1/2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ còn 7 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 4 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 42 xã, 28 phường và 7 thị trấn.
Trong đó, huyện Long Đất sẽ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 huyện Long Điền và Đất Đỏ. Sau khi sắp xếp, huyện Long Đất có 11 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 7 xã và 4 thị trấn.
Để sẵn sàng thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay khi được thông qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã lập Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ban chỉ đạo cũng đã lập các tổ công tác để chuẩn bị, tham mưu các nội dung về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và công tác cán bộ, nhân sự khi thực hiện sáp nhập; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công…
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như nhiều địa phương trên cả nước sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Trong phiên thảo luận ở Tổ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đánh giá về công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, vấn đề về sự cần thiết tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đã được Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Trung ương trong mấy nhiệm kỳ qua đều nêu chủ trương về sự cần thiết tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là công việc đang đặt ra cấp thiết và hiện tại là thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp để thực hiện quyết liệt một cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mục tiêu cao nhất là sau khi sắp xếp, bộ máy phải phục vụ tốt nhất sự phát triển đất nước và nhu cầu của Nhân dân.
Trên thực tế, để sắp xếp, xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn là một công việc khá khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, tác động đến nhiều đối tượng nên nếu không tính toán kỹ lưỡng, có giải pháp đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức, dễ tạo bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, đây là việc cần phải làm, phải tạo được sự đồng thuận lớn bởi bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn chứng, hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy. Trong khi đó, công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập, một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Và số ngân sách dùng để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động chiếm tới 70% tổng chi ngân sách Nhà nước như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
Đổi mới hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả phải được xem là một cuộc cách mạng thực sự, nếu không quyết liệt thì khó thành công. Bởi không chỉ tiết kiệm ngân sách mà đằng sau đó là những hiệu quả to lớn về việc các đầu mối được tinh gọn, không bị chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý và uy tín bộ máy hành chính Nhà nước. Đây còn là nền tảng quan trọng cho một hệ thống hành chính công minh bạch, hiệu lực và hiệu quả.
NGÔ GIA