.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát

Cập nhật: 17:54, 14/11/2024 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã yêu cầu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát ngay trong năm 2025, khi chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo sáng 10/11. Như vậy, mục tiêu này được yêu cầu hoàn thành sớm 5 năm so với các chỉ đạo của Trung ương.

Đây là một tin vui đối với các hộ nghèo, khó khăn đang sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát nhưng không có điều kiện để xây mới hay sửa chữa.

Theo thống kê, cả nước còn 315 ngàn hộ khó khăn về nhà ở, cần được hỗ trợ để đảm bảo an cư, lạc nghiệp. “Sau 80 năm thành lập nước, đến nay thu nhập bình quân đầu người đã hơn 4.300 USD, quy mô nền kinh tế Việt Nam gần 500 tỷ USD, không có lý do gì để người dân ở trong nhà tạm, dột nát”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Những năm qua, dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng bên cạnh phát triển kinh tế-xã hội, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng luôn quan tâm thực hiện nhiều chính sách, hành động để hỗ trợ người nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Theo đó, các phong trào, mô hình, cuộc vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát rất đa dạng, huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp vào cuộc đóng góp xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, mang tên như: nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa quân - dân, mái ấm công đoàn, ngôi nhà đội viên… Kết quả, hàng triệu ngôi nhà mới khang trang, vững chãi đã được xây dựng, sửa chữa bàn giao cho hộ nghèo, giúp họ yên tâm lao động, vươn lên trong cuộc sống.

Thế nhưng, mục tiêu Thủ tướng đặt ra cũng gặp phải nhiều thách thức. Vấn đề đầu tiên là kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà. Ngoài khoản chi từ ngân sách vốn có hạn, cần khoản vận động rất lớn từ xã hội hóa. Tính đến nay, Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” do Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phát động tối 5/10, đã nhận được gần 6.000 tỷ đồng. Với đà này, nguồn kinh phí cho chương trình được kỳ vọng sẽ đạt được. Nhưng vướng mắc lớn nhất chính là về điều kiện đất đai. Nhiều hộ nghèo có đất nằm trong khu quy hoạch, hoặc có đất nhưng không có đất thổ cư nên không đủ điều kiện xây nhà.

Cho ý kiến về những thách thức nêu trên, Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương, địa phương tổ chức thực hiện sáng tạo, vận dụng linh hoạt các quy định, đặc biệt là cấp xã; bám dân, bám cơ sở, Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã.

Với vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”. Bên cạnh đó, các gia đình hưởng thụ chương trình này cần có sự đóng góp của họ hàng, bạn bè, với tinh thần ai có gì giúp nấy và huy động sự tham gia của cả lực lượng quân đội, công an tại chỗ, chủ động, sẵn sàng nhân lực, nguồn lực để cùng triển khai.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương lớn, đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm và chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đã rõ ràng. Do vậy, dù có khó khăn, thách thức nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng, chương trình được tổ chức thành phong trào, như chiến dịch, làm việc với tâm đức vì người nghèo, người có công với cách mạng, tin tưởng rằng mục tiêu này sẽ đạt được.

NGUYỄN ĐỨC

 
.
.
.