Nông nghiệp tái sinh
Nhìn ông Nguyễn Hữu Liên, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức tất bật thu hoạch đu đủ để thương lái thu mua kịp bán dịp rằm tháng 10, những người hàng xóm không khỏi tiếc cho bản thân. Bởi lẽ, cũng là đất sản xuất nông nghiệp như nhau nhưng ông Liên có thể thu hoạch quanh năm nhờ trồng xen canh các loại cây ăn trái, rau củ lẫn cây công nghiệp như hồ tiêu, ca cao, thu nhập tăng gấp 2-3 lần trên cùng một diện tích.
Nhưng để có được thành quả này, ông Liên phải mất đến ba năm, từ thay đổi tư duy canh tác đến bắt tay cải tạo trang trại, học hỏi kỹ thuật, tham khảo nhiều mô hình hiệu quả từ những người “đi trước mở đường”.
Trước đây trên 5ha đất, ông Liên chia làm hai phần, một nửa trồng điều, nửa còn lại trồng cà phê. Tuy nhiên thu nhập không cao, cây già cỗi năng suất thấp. Sau khi được đi tham quan nhiều mô hình, ông Liên đã áp dụng trên 3ha đất trồng xen canh cà phê với tiêu. Không chỉ cho thu nhập tăng gấp đôi mà quan trọng hơn, mô hình này giảm chi phí đầu tư như phân bón, nước tưới. Trong quá trình phát triển, hai loại cây này có sự tương hỗ lẫn nhau. Cà phê là cây hút nước, ngược lại hồ tiêu lại rất dễ úng nước. Trong mùa mưa, cà phê hút nước giúp tiêu hạn chế được các loại dịch bệnh. Còn mùa nắng, cây tiêu có tác dụng che bóng hạn chế quá trình bốc hơi nước giảm lượng nước tưới cho cây cà phê. “Đến nay cả 5ha đất tôi đều áp dụng phương pháp này, cho thấy hiệu quả cao hơn hẳn. Điều quan trọng là hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít gây hại môi trường, sản phẩm làm ra an toàn và luôn giữ cho đất màu mỡ”, ông Liên chia sẻ.
Mô hình mà ông Liên đang áp dụng hay còn gọi nông nghiệp tái sinh được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục tình trạng đất ngày càng bị thoái hóa, chi phí phân bón, nhiên liệu ngày càng tăng cao... Mô hình nông nghiệp tái sinh xác định rõ ba nguồn lực chính là đất, nước và đa dạng sinh học. Trên cơ sở phương pháp canh tác giảm phát thải, mô hình này giúp cải tạo đất và giữ nước, ít dùng thuốc trừ sâu và phân bón hơn, lưu trữ nhiều cacbon hơn trong đất.
Theo thống kê, mỗi năm sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Phát thải nông nghiệp tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất... Trong số này, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt. Cùng với đó, có gần 120 ngàn ha đất nông nghiệp bị thoái hóa, diện tích đất có mức chất lượng thấp, chiếm khoảng 12% so với tổng diện tích đất tự nhiên.
Trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện đang chịu tổn thương nặng nề từ biến đổi khí hậu, đồng thời là nguồn phát thải lớn thứ hai sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thì việc áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh, tuần hoàn chính là hướng đi đúng đắn nhằm đưa ngành này phát triển bền vững, đặc biệt là góp phần thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Chính phủ.
Mô hình này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, DN cũng như các nguồn lực khác nhằm giúp nông dân có thể thực hiện dễ dàng, hiệu quả.
NGÔ GIA