Tiền tài bên vành móng ngựa
Kể cả khi không còn” vành móng ngựa” đặt tại các phiên toà, thì lằn ranh giữa một xã hội tự do và một kết cục tối tăm sau những tấm song ngăn cách, vẫn là cái gì đó, luôn hiển hiện ở các phiên tòa hình sự. Ngồi ở vị trí bị cáo trong các phiên xét xử là điểm dừng chân không ai mong đợi.
Ở đó, mọi thứ còn lại của cuộc sống chỉ là chờ đợi một sự khoan hồng. Bao nhiêu kẻ quyền cao, chức trọng, bao nhiêu trang tuấn kiệt, liệt nữ trâm anh, từng hô mưa gọi gió nhân gian, trong điểm dừng chân cuối cùng đó, cũng chỉ chờ một sự cứu rỗi. Như chờ ánh sáng từ cuối đường hầm.
Phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan đã kết thúc phần luận tội với đề nghị y án tử hình về tội tham ô tài sản từ phía viện kiểm sát. Phiên tòa đang tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư và bị cáo. Ai cũng biết, đây là phiên tòa “đình đám” nhất thập kỷ, vì số tiền gây thiệt hại khủng khiếp, lên tới hàng triệu tỷ đồng, tương đương với hàng chục phần trăm GDP Việt Nam.
Trước tòa, trong phần bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư trích dẫn một câu ngạn ngữ cổ: “Ngay cả lúc bầu trời đen tối nhất, vẫn sẽ có những ngôi sao sáng chiếu rọi khắp nơi...”.
Cả luật sư, cả bị cáo và rất nhiều người thân thiết với Trương Mỹ Lan (sau khi khắc phục hậu quả được hơn 325 ngàn tỷ đồng) chờ đợi một tia hy vọng ở một ngôi sao xa xôi nào đó, chiếu rọi cho người phụ nữ đã bị kéo xuống từ ánh hào quang lấp lánh của tiền tài và danh vọng.
Đó là tia hi vọng về việc được sống. Cái quyền căn bản nhất mà mỗi người sinh ra đều có, thứ tài sản quý giá nhất của cuộc đời mà cha mẹ, mà số phận đã ban tặng. Đó là quyền không ai được xâm phạm, được pháp luật bảo hộ. Và rồi, cũng chỉ có pháp luật mới đủ quyền tước đoạt.
Triệu tỷ ư? Với 1 đời người, nếu chỉ cần một cuộc sống bình thường, tốt đẹp và dư dả. Có lẽ, chừng đó đủ để lấp đầy cho một triệu người. Dẫu biết, có thể là suy nghĩ hạn hẹp từ một tầm nhìn hạn hẹp, một giấc mơ con, trong một cuộc đời con. Nhưng cái làm cho ta vui vẻ, trong hành trình mưu cầu hạnh phúc, cứ gì phải là tiền tài và danh vọng?
Ngược lại, tôi cũng không thích câu nói Tiền nhiều để làm gì? mà CEO Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ trong phần tranh luận trước tòa ở vụ án hôn nhân của ông, đã được trích dẫn riêng lẻ như một mệnh đề trên mạng xã hội. Vì với nhu cầu của mỗi người, định mức “nhiều tiền” chẳng ai giống ai cả.
Tiền nhiều là mong muốn căn bản nhất của mỗi người, nói rộng ra, còn là động lực, là sức mạnh của quốc gia, của đất nước. Tiền là giá trị vật chất, là nguồn lực thúc đẩy nhiều thứ tiến bộ… Mong muốn có nhiều tiền, giàu có về của cải là mong muốn nhân văn của con người.
Nhưng người ta đã bỏ qua câu nói thứ hai của CEO Trung Nguyên: Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?
Đó là điểm khác nhau của mong ước có nhiều tiền và cách người ta kiếm tiền và sử dụng đồng tiền. Vì nói đến cùng, khi đã đứng trước tòa, nhất là trước “vành móng ngựa”, giữa được sống và phải chết, thì: tiền nhiều để làm gì, danh lắm để làm gì?
HOÀNG NAM