Đừng tự hại chính mình…
Bị mẩn ngứa không rõ nguyên nhân, bà Hạnh ghé hiệu thuốc gần nhà “kể bệnh” với nhân viên bán thuốc. Chỉ chưa đầy 5 phút sau, bà đã được nhân viên bán cho bọc thuốc với khá nhiều loại khác nhau và dặn kỹ cách sử dụng.
Tuy nhiên, sau khi uống thuốc đến ngày thứ 2, bà Hạnh thấy mệt mỏi, có hiện tượng bị giữ nước, mặt, tay, chân sưng mọng, dù tình trạng mẩn ngứa có giảm. Bà được con gái đưa đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết, thuốc bà sử dụng chống chỉ định với những người suy thận như bà. Và những thuốc bà dễ dàng mua được từ hiệu thuốc thuộc diện phải kê đơn và chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ.
Hàng ngày, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có thói quen tự ý mua thuốc điều trị khi có triệu chứng bệnh. Chỉ cần ghé hiệu thuốc bất kỳ và “kể bệnh” với nhân viên bán thuốc là có được các loại thuốc điều trị như ý muốn. Việc nhanh chóng, tiện lợi mà không cần phải xếp hàng bốc số, chờ đến lượt, mất rất nhiều thời gian ở cơ sở khám chữa bệnh đã khiến cho nhiều người lựa chọn phương thức này, mà không tính đến việc “hại mình” về lâu dài.
Tất nhiên, ở các hiệu thuốc, nhân viên có quyền bán những loại thuốc thông thường, không cần kê toa, chứ không hẳn là tất cả các loại thuốc đều buộc phải kê đơn. Đó cũng chính là một trong những yếu tố hình thành thói quen cứ đau bệnh là đến hiệu thuốc để được “khám, lấy thuốc” từ nhân viên hiệu thuốc.
Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã giải trình về nội dung này. Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đã dẫn quy định dược sĩ phải có mặt tại nhà thuốc khi mở cửa hoạt động, thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ. Nhưng hiện nay, một số nhà thuốc dược sĩ thường không có mặt tại cửa hàng, thuốc kê đơn dù không có đơn vẫn bán tràn lan.
Luật Dược 2016 quy định nghiêm cấm hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc và Nghị định 117 cũng quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn không có mặt ở cơ sở quy định có thể bị xử phạt tới 5 triệu đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Bộ đang từng bước siết chặt quản lý dược và triển khai hệ thống kê đơn điện tử quốc gia. Đây là hệ thống thống nhất trên toàn quốc, giúp các cơ sở y tế, nhà thuốc kê đơn quản lý đơn thuốc, giám sát hoạt động bán thuốc theo quy trình minh bạch.
Thực tế cho thấy, tình trạng tự ý điều trị của người bệnh mà không đi khám bác sĩ, bán thuốc kê đơn mà không có đơn đã diễn ra trong suốt thời gian dài, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Một phần nguyên nhân đến từ chính người bệnh đã tiếp tay cho tình trạng bán thuốc tràn lan mà không cần đơn tại các cơ sở kinh doanh dược. Vì vậy, việc siết chặt quản lý mới chỉ “cắt phần ngọn”. Về lâu dài, cần phải đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân.
Không có “cầu” ắt sẽ giảm, tiến tới ngưng “cung” hoàn toàn. Mỗi người cần phải tự biết cách bảo vệ chính mình thay vì “hại mình” do thiếu hiểu biết.
TIỂU CƯỜNG