.

Mặt trái của mạng xã hội

Cập nhật: 17:30, 07/11/2024 (GMT+7)

“Người Việt đang ở đây nhưng tâm hồn bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok hết rồi”. Đó là phát biểu của đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Vị đại biểu này cảnh báo chúng ta đang chứng kiến "hiện tượng nhập siêu văn hóa" và bị ảnh hưởng tiêu cực từ các bộ phim, bài hát, lối sống. Thậm chí cả suy nghĩ từ nước ngoài cũng đang gặm nhấm, tàn phá tâm hồn người Việt.

Phát biểu của đại biểu Bùi Hoài Sơn đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm trước thực trạng hiện nay.

Với sự phổ biến của mạng Internet và điện thoại thông minh, người dân dễ dàng truy cập vào các trang mạng. Trước khi Internet được phổ biến rộng rãi, điện thoại thông minh vốn đã là một thế giới kỳ diệu, đầy bí ẩn khiến người dùng khám phá mãi không chán. Khi mạng Internet và mạng xã hội ngày càng phổ biến, thế giới ấy càng trở nên hấp dẫn, kỳ ảo. Nó như cái mê cung tầng tầng lớp lớp khiến ai đã lạc vào rồi sẽ như quên lối về. Đó là những ứng dụng chỉnh sửa ảnh, video, là những bài hát sôi động, là những tập phim hài hay những tập phim ngắn thuộc thể loại ngôn tình, “xuyên không” về cổ đại với dàn diễn viên, ca sĩ đẹp từ ngoại hình tới trang phục.

Có thể nói, những thông tin, video, hình ảnh ấy thường na ná nhau, còn chất lượng và nội dung phim thì đơn giản, dễ hiểu, dễ đoán, không cần phải suy nghĩ nhiều. Thế nhưng, nó đã đáp ứng nhu cầu giải trí kiểu “mì ăn liền” của người xem, từ người trẻ tới người già. Với người dùng tuổi teen, đó là những ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh, ghép video, ghép nhạc liên tục được thay đổi, cập nhật mà họ có thể ngồi cả giờ để thao tác.

Hãy dành chút thời gian quan sát cuộc sống sinh hoạt xung quanh mình mà xem, chúng ta sẽ thấy lối sống hiện đại đã bị phụ thuộc vào chiếc điện thoại thông minh và mạng xã hội như thế nào: Trong gia đình, mỗi người ôm một chiếc điện thoại lướt mạng, từ bữa ăn cho đến lúc trước lúc đi ngủ. Bạn bè hẹn nhau ra quán cà phê, vừa nói chuyện nhưng mắt vẫn không rời cái điện thoại. Nơi công viên, khu vực công cộng, đâu đâu cũng thấy người ta chăm chú lướt điện thoại. Giới học sinh, sinh viên những thế hệ trước thường đến thư viện hoặc sân thể thao sau giờ học thì nay thường nằm lì trong phòng ôm điện thoại. Thậm chí, trong các cuộc họp, không ít người vẫn vô tư lướt mạng.

Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích mà điện thoại thông minh và mạng xã hội mang lại. Đó là những thông tin không biên giới được phản ánh nhanh nhạy, đầy đủ, kịp thời; là khoảng thời gian giải trí vui vẻ sau giờ học, giờ làm; là cơ hội kết nối bạn bè, đối tác hay cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế thông qua mạng.

Thế nhưng, mạng xã hội cũng ẩn chứa nhiều điều nguy hiểm, đó là việc tâm hồn của một bộ phận không nhỏ người dùng bị thao túng như vị đại biểu nói trên đã cảnh báo, là những trào lưu nguy hiểm đầy rẫy trên mạng xã hội, là những vụ lừa đảo qua mạng này và cả những thông tin xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước ẩn chứa trong các video, hình ảnh trên mạng.

Ngăn chặn tình trạng mạng xã hội thao túng tâm hồn người Việt không chỉ là nhiệm vụ của riêng các cơ quan chức năng mà còn là nhiệm vụ chung của mỗi người dân. Trong gia đình, người lớn, cha mẹ cần nêu gương, có biện pháp hạn chế trẻ sử dụng điện thoại, kiểm soát nội dung bằng các phần mềm chuyên biệt; kéo trẻ vào các hoạt động chung của gia đình; phân công thời gian học, vui chơi và phụ giúp việc nhà một cách hợp lý cho trẻ. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần khuyến khích sản xuất những sản phẩm văn hóa mới lạ, hấp dẫn, mang tính giáo dục cao và giám sát, ngăn chặn những sản phẩm kém chất lượng, độc hại.

NGUYỄN ĐỨC

 
.
.
.