.

Động lực cho người nghèo vươn lên

Cập nhật: 17:33, 28/10/2024 (GMT+7)

Xóm nhỏ nơi tôi đang ở có khoảng mươi phòng trọ, đa phần là nơi cư ngụ tạm bợ của các gia đình lao động nghèo. Trong đó có đôi vợ chồng già, gần 70 tuổi không con cái, vẫn tần tảo kiếm sống qua ngày. Tuổi tuy chưa cao hẳn, nhưng có lẽ do lam lũ từ thời trẻ, nên ông bà khá ốm yếu, thường đau ốm vặt và mắc bệnh khớp mãn tính nên những ngày khỏe để đi kiếm việc làm thường chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Tầm mươi ngày nay, vợ chồng già vui ra mặt và thường xuyên nói lời cảm ơn khi có người trong lối xóm tạt qua mua ly nước mía ép ủng hộ ông bà. Xe nước mía chẳng đáng bao tiền, nhưng là cả gia sản của ông bà và cũng không biết đến bao giờ mới sắm được nếu không được sự hỗ trợ của MTTQ địa phương và bà con khu phố. Căn phòng trọ của ông bà ở ngay góc nhỏ với 2 mặt tiền hẻm, khá thuận lợi do sát các nhánh đường đến trường học cách đấy khoảng 500m. Sau khi khảo sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của vợ chồng già, khu phố đã kiến nghị để ông bà được hỗ trợ xe nước mía. Nhiều gia đình trong khu phố còn góp mỗi người một ít để ông bà có vốn ban đầu. Bà nhẩm tính, mỗi ngày trừ chi phí, có lãi khoảng 100 ngàn đồng, ổn định để ông bà sinh hoạt hàng ngày, không còn phải lo những ngày mưa gió, đau bệnh không kiếm được việc làm. 

Niềm vui như được nhân đôi khi một cơ sở bách hóa và khu vui chơi trẻ em gần nhà đã thuê ông làm bảo vệ, canh giữ xe vào buổi chiều tối.

Cũng như nhiều người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, vợ chồng già ở xóm trọ nhỏ đã được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ người nghèo vươn lên do MTTQ Việt Nam phát động hưởng ứng Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2024 diễn ra từ ngày 17/10 đến 17/11. 

Trong Tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2024, MTTQ các cấp trong tỉnh chủ động phối hợp, vận động cán bộ, đảng viên, CCVC, NLĐ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, DN, nhà hảo tâm... ủng hộ các hoạt động vì người nghèo thông qua Quỹ "Vì người nghèo" và phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Dịp này, từ nguồn quỹ, sẽ có 2.515 suất quà được tặng tới hộ nghèo với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa 79 căn nhà đại đoàn kết, với số tiền khoảng 3,72 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở Bà Rịa-Vũng Tàu, dường như mỗi tháng trong năm đều là "cao điểm vì người nghèo", bởi, mỗi địa phương, khu dân cư đều thường xuyên duy trì hoặc triển khai mới các mô hình chăm lo cho người nghèo. Trong đó, đặc biệt nhất là mô hình "trao sinh kế" như kể trên để người nghèo có "cần câu cơm" ổn định. Đáng chú ý là những "cần câu cơm" này được tính toán cẩn trọng, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện của hộ nghèo. Để từ đó, hộ nghèo có thể sử dụng "cần câu" hiệu quả, tiến tới thoát nghèo bền vững. 

Và việc trao sinh kế chỉ là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với chính quyền, hội, đoàn thể các cấp và cộng đồng trong công tác giảm nghèo, vì với chuẩn nghèo đa chiều, hộ nghèo còn phải được quan tâm nhiều yếu tố khác, trong đó có tạo cơ hội học hành, chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ văn hóa tinh thần... Chính vì vậy, công tác giảm nghèo luôn luôn cần được quan tâm và sâu sát ở mọi cấp, cần sự hỗ trợ thực chất của cả cộng đồng. 

TIỂU CƯỜNG

.
.
.