Băn khoăn phụ cấp cho nhân viên y tế
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 4/11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Yến đề nghị tăng các khoản phụ cấp để động viên và hỗ trợ tinh thần cho đội ngũ y tế. Bà nhận định: Học phí trường y hiện nay khá cao so với các ngành khác, thời gian học dài, điểm thi đầu vào rất cao. Trong khi đó, các chế độ phụ cấp như trực đêm, ca mổ đã hơn 10 năm chưa được điều chỉnh.
Nhận định của bà Nguyễn Thị Yến cho thấy sự cần thiết phải xem xét lại mức phụ cấp hiện tại của nhân viên y tế. Nhìn vào mức phụ cấp hiện nay của họ, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Một bác sĩ tại bệnh viện hạng 2 chia sẻ, mỗi tháng trực khoảng 5-7 ngày nhưng tổng tiền phụ cấp trực chưa đến 1 triệu đồng. Phụ cấp 90 ngàn đồng và 15 ngàn đồng tiền ăn cho ca trực suốt 24 giờ, từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau.
Mức phụ cấp cho kíp mổ dù đòi hỏi kỹ thuật, chuyên môn rất cao như ghép thận hay phẫu thuật tim, nhưng bác sĩ phẫu thuật chính và bác sĩ gây mê chính chỉ nhận 280.000 đồng; hai bác sĩ phụ mổ và kỹ thuật viên gây mê 200.000 đồng; điều dưỡng giúp việc 120.000 đồng.
Chính vì vậy, việc xây dựng lộ trình tăng dần các khoản phụ cấp, nhất là phụ cấp trực đêm và phẫu thuật là việc làm cấp thiết, để thu hút và giữ chân đội ngũ y tế. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế định kỳ điều chỉnh mức phụ cấp dựa trên biến động kinh tế và chi phí sinh hoạt, giúp phụ cấp không lạc hậu theo thời gian.
Bộ Y tế đã có Dự thảo Quyết định quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù cho công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập. Theo đề xuất mới nhất, mức phụ cấp cho người lao động tham gia ca trực 24 giờ tại bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt sẽ tăng thêm 210.000 đồng; phẫu thuật viên chính trong ca mổ đặc biệt hưởng phụ cấp 790.000 đồng, gấp 2,8 lần hiện nay.
Dự thảo đang lấy ý kiến từ người dân và các đơn vị liên quan, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11 tới. Dự thảo này có nhiều điều chỉnh tăng mức phụ cấp trực, phẫu thuật và chống dịch.
Khi được ban hành, quyết định này sẽ là tin vui cho đội ngũ nhân viên y tế. Tuy nhiên, một số những vướng mắc sẽ phát sinh nếu triển khai trên thực tế, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ tài chính của các bệnh viện công. Bởi, hiện nay, dù được tự chủ toàn diện, các bệnh viện chưa được tự chủ về giá. Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, chỉ tính 4/7 yếu tố trong kết cấu giá dịch vụ. Trong khi đó, chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương... tăng hàng năm do giá thị trường tăng, nhưng giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh, ảnh hưởng đến cân đối thu chi của các đơn vị.
Lãnh đạo công đoàn ngành y tế cho rằng, cần sớm ban hành giá và lệ phí đầy đủ các yếu tố. Như vậy, các bệnh viện tự chủ mới có thể đảm bảo cân đối thu chi cho đơn vị và tăng thu nhập cho nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, để đảm bảo khả năng chi trả trong bối cảnh tự chủ tài chính của các bệnh viện công, Bộ Y tế nên để các đơn vị tự xây dựng giá đảm bảo theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, có tích lũy để tái đầu tư và phù hợp chi trả của người dân nhưng vẫn đảm bảo việc thu đúng thu đủ. Tức là các bệnh viện tự chủ tự xây dựng giá, công bố công khai mức giá này mỗi năm và tự chịu trách nhiệm. Hằng năm, Bộ Y tế có trách nhiệm hậu kiểm.
NGUYỄN THI