Báo động từ cây xanh đô thị
Cách đây vài ngày, một trận mưa giông lớn kèm theo gió mạnh và lốc xoáy đã khiến 5 cây me tây, tuổi đời 18 năm, nằm dọc Quốc lộ 51 tại đoạn giáp ranh giữa TP. Vũng Tàu và TP. Bà Rịa bị gãy đổ. Sự cố này gây ra tình trạng ách tắc giao thông suốt 45 phút, nhưng may mắn không có thiệt hại về người. Chỉ vài ngày trước đó, một cây me tây cổ thụ hơn 100 năm tuổi cũng bất ngờ đổ sập xuống đường Lê Lai (phường 1, TP. Vũng Tàu) lúc 1h30 sáng. Dù không gây thiệt hại về người do thời điểm ít người qua lại, nhưng nhiều nhà dân đã bị mất điện, gián đoạn internet và hư hỏng hạ tầng ngầm như cấp nước và vỉa hè.
Những sự cố này không chỉ là lời cảnh báo về nguy cơ gãy đổ cây xanh đô thị mà còn đặt ra câu hỏi về sức khỏe của hệ thống cây xanh trong bối cảnh đô thị hóa.
Cây xanh đô thị, đặc biệt là cây cổ thụ, đang chịu tác động lớn từ quá trình phát triển hạ tầng. Việc mở rộng đường sá, xây dựng nhà cửa và lắp đặt hệ thống cáp điện, ống nước ảnh hưởng đáng kể đến hệ rễ của cây. Rễ cây bị xâm phạm, mất không gian phát triển hoặc hư hại do đào bới, dẫn đến suy yếu và giảm khả năng bám vào đất, khiến cây trở nên mong manh trước mưa bão.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, làm suy giảm tuổi thọ của cây xanh đô thị. Khi môi trường tự nhiên thay đổi, cây xanh khó thích ứng, đặc biệt là các cây cổ thụ. Những cơn mưa bão gia tăng tần suất và cường độ càng làm tăng nguy cơ gãy đổ, đe dọa sự an toàn của người dân và công trình lân cận.
Mặt khác, các cây trồng đô thị cần được chăm sóc, cắt tỉa, theo dõi và thay thế dần khi già cỗi. Tuy nhiên, việc đánh giá tình trạng sức khỏe của cây để thay thế hiện vẫn chưa có phương pháp kiểm tra và đo lường hiệu quả, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý cây xanh đô thị.
Cây xanh trong đô thị là một "tài sản xanh" quý giá, nhưng trước thực tế của quá trình đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu như đã phân tích ở trên, cần có biện pháp quản lý và lựa chọn loại cây phù hợp.
Theo các chuyên gia về sinh thái học đô thị, đối với cây trồng trên vỉa hè, việc lựa chọn loại cây phù hợp là rất quan trọng. Những cây có kích thước trung bình, dễ cắt tỉa và thay thế sẽ giúp giảm thiểu công việc bảo dưỡng và giảm rủi ro cho người dân. Tán lá vừa phải tạo bóng mát nằm gọn trong vùng vỉa hè, không cản trở giao thông hay ảnh hưởng đến công trình xung quanh. Trong khi đó, các cây cổ thụ chỉ nên bố trí tại các công viên hoặc mảng xanh rộng, nơi có diện tích đất đủ để hệ rễ phát triển tự do, đảm bảo an toàn cho người đi đường. Ở những nơi này, cây cổ thụ không chỉ phát huy tốt vai trò làm mát, tạo bóng mát mà còn góp phần cân bằng sinh thái đô thị.
Để nâng cao hiệu quả giám sát và quản lý cây xanh, mỗi cây trồng trong đô thị nên được gắn mã QR. Công nghệ này cho phép người dân dễ dàng kiểm tra thông tin về loại cây, năm trồng, tình trạng hiện tại và vị trí. Nếu phát hiện cây có nguy cơ gãy cành hoặc bật gốc, người dân có thể quét mã QR để liên hệ ngay với đường dây nóng của đơn vị quản lý. Ở một số quốc gia như Hong Kong đã triển khai hiệu quả việc này. Từ năm 2021, Hong Kong gắn hơn 200.000 mã QR cho cây xanh đô thị, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia bảo vệ cảnh quan đô thị.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng hạ tầng mới, cần duy trì không gian đủ cho rễ cây phát triển. Đảm bảo khoảng cách hợp lý giữa cây xanh và công trình xây dựng, hạn chế việc đào bới hoặc đổ đất lên rễ cây. Đối với các công trình cũ, việc điều chỉnh và cải tạo để không ảnh hưởng đến hệ rễ cây cũng cần được xem xét.
ANH ĐÀO