.

Chịu trách nhiệm không chỉ riêng con trẻ

Cập nhật: 17:44, 06/11/2024 (GMT+7)

Vụ tai nạn giao thông do một nhóm thanh niên gây ra trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) sáng 3/11 đã cướp đi sinh mạng của cô gái vô tội, đem đến tang tóc và mất mát rất lớn cho gia đình nạn nhân.

Nhưng không chỉ có gia đình, người thân của em mới chịu mất mát, thiệt thòi mà cả xã hội cũng vô cùng lo lắng, đau cùng với nỗi đau này. Trước đó, đã có rất nhiều người vô tội bỗng trở thành nạn nhân của “quái xế”, phải mang di chứng, thương tật suốt đời, thậm chí cướp đi sinh mạng quý báu, để lại nỗi đau đớn ám ảnh không nguôi đối với nhiều gia đình.

Tôi đã nhiều lần “thót tim”, khiếp sợ và buộc phải dừng xe bên đường để cho đoàn “quái xế” rú ga đinh tai nhức óc, nẹt pô, hú hét lạng lách phóng qua thật xa mới tiếp tục hành trình.

Một lần nữa, sự ra đi của cô gái là hồi chuông cảnh tỉnh trước tình trạng vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng này.

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân xử phạt HS đi xe máy không đúng luật. Rất nhiều trường hợp vi phạm bị lập biên bản, sau đó gửi về trường. Theo cơ quan cảnh sát giao thông, hiện nay tình trạng HS chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe máy đến trường, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định, đi hàng ngang trên đường bộ... vẫn diễn ra phổ biến. Như tại Đồng Nai, sau 1 tháng ra quân đợt cao điểm, công an đã xử phạt hơn 300 trường hợp cha mẹ giao xe cho HS chưa đủ độ tuổi và chưa có giấy phép lái xe...

Giáo dục pháp luật về giao thông tại các trường học, cùng với tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm bước đầu đã mang lại những chuyển biến nhất định. Các em vi phạm giao thông, nhưng nguyên nhân sâu xa và trách nhiệm lớn nhất thuộc về người giao xe cho trẻ điều khiển. Đó là, dù biết con mình chưa đủ tuổi lái xe nhưng vẫn cố tình hoặc làm ngơ, thậm chí một số phụ huynh coi nhẹ nên đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, thương tâm. Chỉ đến khi sự việc đau lòng xảy ra, nhiều phụ huynh lúc đó mới ngỡ ngàng. Trong câu trả lời của mình, nhiều phụ huynh đều cho rằng “không ngờ” vì nghĩ đơn giản, vì thương con và vì vô vàn lý do khác.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Trường hợp gây chết người hoặc gây thương tích từ 61% trở lên thì người điều khiển lẫn người giao xe sẽ đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, cha, mẹ giao xe cho con, cháu chưa đủ tuổi lái, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản hoặc làm chết người... có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm. Ngoài ra, việc giao xe cho người không đủ điều kiện để lái cũng sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng đối với xe máy và từ 4-6 triệu đồng đối với ô tô.

Giao xe khi con chưa đủ tuổi, chưa đủ chuẩn lái xe không chỉ là thiếu trách nhiệm với chính con của mình mà còn với cả cộng đồng. Do vậy, chế tài luật pháp cần đủ mạnh, đề cao tính nghiêm minh trong xử phạt cả người gây tai nạn lẫn người giao xe cho trẻ khi chưa đủ tuổi cầm lái.

LAM GIANG

.
.
.