Cấp độ mới về chống lãng phí
Chống lãng phí, là mặt trận song hành cùng cuộc chiến tham nhũng. Chống tham nhũng là đấu tranh trực diện, dù phức tạp và cam go, nhưng dễ nhận diện. Còn lãng phí biểu hiện dưới nhiều dạng thức: lãng phí trong chi tiêu, đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công; lãng phí trong sử dụng đất đai, tài nguyên và lãng phí trong sử dụng nhân lực…
Lãng phí đôi khi không phải do một cá nhân, tổ chức trực tiếp và cố ý gây nên, nó xuất phát từ việc xây dựng chính sách sai lầm và chậm trễ trong thực hiện chính sách. Có những việc, hôm nay làm, đến cả chục năm sau mới nhận ra sai lầm và xử lý hậu quả. Việc xử lý hậu quả tốn kém và nghiêm trọng, phương hại nhiều đến tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Cho nên, chống lãng phí trong thời đại hiện nay còn phải gắn liền với tư duy phát triển bền vững, phát triển xanh. Lấy sự ổn định, lâu dài làm kế sách. Nay kiếm được 1 đồng mà vài năm sau phải bỏ ra 5 đến 10 đồng để sửa chữa, khắc phục hậu quả… thì cũng là lãng phí.
So với tham nhũng, lãng phí khó phát hiện, khó ngăn ngừa và khó quy kết trách nhiệm. Cũng vì khó quy kết trách nhiệm nên có rất nhiều sự việc, nhiều vấn đề cứ “ngâm đó”, ngày này qua tháng khác, dẫn đến hiện trạng “cha chung không ai khóc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Lãng phí là “thứ giặc ở trong lòng”. Người nói: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Người căn dặn cán bộ: “Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí”.
Trong quá trình lãnh đạo phát triển đất nước, Đảng ta rất coi trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng đã được thể chế thành luật. Dù vậy, những biểu hiện về lãng phí vẫn rất phổ biến, việc xử lý trách nhiệm từ trước đến nay chưa đến nơi, đến chốn.
Có thể lấy ra nhiều ví dụ điển hình: Ở nước ta có nhiều công trình, trụ sở là tài sản của nhà nước mà cơ quan được giao quản lý đã di dời qua chỗ khác. Quá trình bàn giao sau di dời cho chính quyền kéo dài dăm, bảy năm, thậm chí cả chục năm. Đất có thể sinh sôi tiền của nhưng cứ nằm im dằng dặc ngày này qua tháng khác. Trụ sở thì xuống cấp, mối mọt, cây cỏ um tùm. Lại tốn thêm khoản điện nước, bảo vệ… Ngoài ra còn có hàng trăm, hàng ngàn dự án triển khai, rồi “treo” đó. Có dự án vốn đầu tư lên tới cả chục ngàn tỷ đồng, sử dụng hàng trăm ha đất, mà hầu như địa phương nào trong cả nước cũng có. Lại còn có chuyện nhiều dự án, công trình đầu tư tiền tỉ, máy móc thiết bị mua sắm rình rang, nhưng đầu tư xong rồi lại “đắp chiếu”, nhiều năm không sử dụng.
Tổng Bí thư Tô Lâm, khi đề cập đến tình trạng lãng phí, trong thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại diễn đàn Quốc hội chia sẻ: “Tôi cũng rất bức xúc, người dân cũng rất bức xúc. Ai cũng nói mảnh đất đó là vàng, quý lắm, bao nhiêu tiền nhưng sao đứng im, chục năm vẫn để cỏ mọc, vậy ai chịu trách nhiệm”.
Câu chuyện về trách nhiệm, chính là mấu chốt của hiện trạng lãng phí. Không quy được trách nhiệm và thiếu trách nhiệm về sử dụng hiệu quả tài sản của nhà nước, chính là nguyên nhân của lãng phí.
Đã đến lúc phải nhìn nhận cuộc chiến chống lãng phí ở một cấp độ mới. Các cấp chính quyền phải hành động nhiều hơn trong chống lãng phí. Gắn liền với đó là hoàn thiện quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ. Bảo đảm việc: Ai, tổ chức nào gây lãng phí phải chịu trách nhiệm.
HOÀNG NAM