Trường học không điện thoại
Nhà tôi có 2 cháu, một trai, một gái, học khác trường THPT ở Vũng Tàu. Đầu năm học, vì cô con gái không được mang điện thoại đến lớp theo quy định riêng của trường, liền bị anh trai chê là “lạc dòng, giờ này còn bị cấm mang điện thoại là đi ngược xu thế rồi”.
Một tháng sau, con trai tôi về tiu nghỉu: “Từ tháng này, con cũng không được mang điện thoại đến lớp nữa. Thầy chủ nhiệm thông báo, em nào muốn mang điện thoại thì cứ việc. Nhưng bị phát hiện sẽ tịch thu cho đến khi tốt nghiệp mới trả lại”.
Kể từ đó, mỗi buổi sáng, 2 chiếc điện thoại thông minh chấp nhận nằm im ngay ngắn ở nhà. Giờ tan lớp, cả hai đứa đều tích cực trở về nhà sớm. Tôi ngầm hiểu, bảo bối của chúng ở nhà, khó có thể rời xa nhiều giờ liên tục được… Vậy cũng hay, đỡ phải la cà sau giờ học.
Khi một trường học “nói không” với điện thoại, sẽ có đôi chút bất tiện xảy ra. Giả như, phụ huynh cần liên hệ trực tiếp và nhanh chóng với con sẽ khó thực hiện. Các chi tiêu cá nhân của học sinh phục vụ cho sinh hoạt, học tập đều phải ưu tiên dùng tiền mặt. Một vài em có thể bỏ đôi bữa sáng vì đã quen với việc quét QR thanh toán… Nhưng tất cả chỉ là chuyện nhỏ, đều có giải pháp thay thế. Vì vậy, xu hướng các trường cấm học sinh mang điện thoại đến lớp rất được phụ huynh, giáo viên đồng tình ủng hộ.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh sự mất tập trung trong lao động, học tập khi bị chi phối bởi điện thoại. Học sinh mang điện thoại đến lớp, kể cả khi bị cấm sử dụng điện thoại trong giờ học, cũng khó có thể bảo đảm 100% chấp hành nghiêm túc quy định. Kiểu gì cũng có em thậm thò thậm thụt, len lén sử dụng điện thoại. Chưa kể, những tin nhắn và thông báo từ điện thoại sẽ chi phối toàn bộ thời gian học tập của các em tại lớp.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) từng phát đi thông điệp kêu gọi các trường học trên thế giới cấm trẻ đưa điện thoại đến lớp. Tổ chức này trích dẫn nghiên cứu cho biết, kết quả học tập của học sinh giảm sút khi sử dụng điện thoại. Đồng thời đưa ra thống kê, năm 2023, cứ 4 trường học trên thế giới, thì có 1 trường cấm học sinh mang điện thoại đến lớp.
Ở nước ta, theo quy định tại Điểm 4, Điều 37, Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT, học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Tức là vẫn chừa lại một “khoảng trống” về quy định. Khoảng trống này có thể hiểu là việc học sinh được mang điện thoại và sử dụng điện thoại hay không tùy thuộc vào quy định riêng của từng trường, phụ thuộc vào cách đánh giá, nhìn nhận của giáo viên. Dẫn đến sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong việc kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại.
Dù cấm, hay không, việc hạn chế học sinh tiếp xúc quá nhiều với điện thoại là chuyện nên làm trước xu hướng nghiện điện thoại gia tăng trong giới trẻ. Và trường học là môi trường có thể áp dụng quy định chung, có tính bắt buộc với học sinh. Còn với phụ huynh, có lẽ, hầu hết đều mong chờ, con em mình sau mỗi tiết học có thể được chơi nhảy dây, ô ăn quan, đấu cờ vua, kéo co, rồng rắn lên mây... thay vì cứ tụm ba, tụm bảy chơi game, lướt điện thoại.
HOÀNG NAM