.

Cấp bách truy xuất nguồn gốc thủy sản

Cập nhật: 17:43, 03/07/2024 (GMT+7)

Tại hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh, diễn ra ngày 2/7 vừa qua, thông tin đáng chú ý là đến nay công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản vẫn còn hạn chế, chưa bảo đảm tính minh bạch, hợp pháp của sản phẩm. Hiện mới chỉ giám sát được 31,58% sản lượng thủy sản khai thác. Nhật ký khai thác vẫn còn sai sót, mang tính hồi ký.

Thông tin trên thật đáng lo ngại, bởi truy xuất nguồn gốc thủy sản là 1 trong 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu EC, bao gồm: hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường quản lý tàu cá; kiểm soát việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây cũng là cơ sở để châu Âu gỡ “thẻ vàng” và được ngành nông nghiệp rốt ráo thực hiện từ Trung ương đến địa phương trong thời gian qua.

Không chỉ đối với thủy sản, minh bạch hóa thông tin trong truy xuất nguồn gốc không những nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, mà còn là điều cần thiết đối với người tiêu dùng trong nước. Đó là khi mua bất cứ sản phẩm nào thì người sử dụng cần được biết xuất phát từ đâu, được cung ứng, sản xuất, chế biến, tiêu thụ ra sao. Riêng đối với thủy sản, việc truy xuất nguồn gốc còn đáp ứng yêu cầu, khuyến nghị của EC, cũng như đảm bảo giúp ngành thủy sản phát triển bền vững, minh bạch, trách nhiệm với cộng đồng.

Đặc biệt, các quy định IUU được thiết lập thống nhất trên toàn châu Âu để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định vào thị trường này. Yêu cầu hiện nay đối với việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc khai thác là 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, được bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc. Cụ thể là đảm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu giám sát hành trình, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác, đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp chuyển tải trên biển, sản lượng đối với loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm... cần phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử. Mục tiêu cao nhất là phát triển một nghề cá xanh, sạch, có trách nhiệm và phát triển bền vững, đặc biệt phải gỡ được “thẻ vàng” IUU trong lần thanh tra dự kiến vào tháng 10 tới của EC.

Đây cũng là yêu cầu đối với các cấp ủy đảng, sở, ngành, chính quyền địa phương được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh đặt ra tại hội nghị sơ kết nói trên. Trong đó, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để thống nhất hành động, giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay với tinh thần xử lý nghiêm, công khai, minh bạch, không có vùng cấm, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống IUU.

Không chỉ là sự quyết liệt ở chính quyền mà làm thế nào để ngư dân cũng hiểu được đây là sự sống còn, không chỉ vì “thẻ vàng” IUU nữa mà là vì một nghề cá bền vững.

NGÔ GIA

 

 

.
.
.