.

5 giây kinh hoàng

Cập nhật: 18:02, 28/06/2024 (GMT+7)

Chiếc xe lao vun vút giữa làn đường 2 chiều Nguyễn Văn Trỗi (Vũng Tàu) với tốc độ kinh hoàng. 2 chiếc xe máy ngã xuống đường vì bị xẹt qua, sau âm thanh nối liền “bụp, bụp”. Một tiếng nổ chát chúa vang lên liền sau đó, như nổ trạm biến áp. Hàng chục người cùng lúc lao ra đường la hét thất thanh…

Tất cả gói trong 5 giây từ đoạn camera trích lại từ nhà dân, như một phân cảnh hành động siêu thực, chỉ có trong phim. Nhưng 5 giây kinh hoàng đó đã diễn ra trong đời thực, tối 27/6, khi chị lao công miệt mài dọn dẹp trên đường giữa dòng người qua lại êm ả và hai mẹ con yêu đời đang trở về nhà sau chuyến dạo biển… Rồi chiếc xe “đoạt mạng” lao vào giữa nhịp sống bình yên đó. Vụ tai nạn khủng khiếp cướp đi sinh mạng của 2 người, làm 5 người khác bị thương.

Hẳn ai cũng muốn biết, người phụ nữ “đến từ đêm kia”, trên chiếc xe điên loạn đó đã nghĩ gì trong lúc cầm lái. Vì sao không dừng lại? Vì sao tiếp tục lao đi bất chấp tất cả và chỉ nhờ vào trụ điện ven đường mới dừng lại. Cô ta mất trí chăng? Không ai biết cả. 

Bản báo cáo kiểm tra nồng độ cồn từ cơ quan chức năng sau đó hé lộ một phần nguyên nhân. Nữ tài xế lái ôtô tông hàng loạt đêm 27/6 ở Vũng Tàu đã bước ra xe trong “trạng thái không tỉnh táo”. Nồng độ cồn trong người của cô ta lên đến 0,503 mg/l. Đây là mức vượt khung cao nhất (0,4 mg/l) trong xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Trùng hợp là, cũng trong ngày 27/6, tại Kỳ họp thứ 7, khóa XV, với 388/450 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực kể từ 1/1/2025), trong đó có quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

Phải mất rất nhiều thời gian, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe mới được thông qua. Nhưng chỉ vỏn vẹn 5 giây, với một người phụ nữ say rượu lái xe, cuộc sống của rất nhiều người, nhiều gia đình đã phải thay đổi vĩnh viễn. Và sẽ không tìm thấy một chút tốt đẹp nào từ sự thay đổi đó. Chỉ có đau thương, xáo trộn, phẫn nộ và ân hận. 

Trước khi quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn được thông qua, nhiều ý kiến cho rằng “cấm tuyệt đối” nồng độ cồn là không cần thiết. Đâu đó còn coi uống rượu, bia là một phần của văn hóa đời sống. 

Không hẳn là chuyện nực cười, vì thay đổi một thói quen có tính phổ biến là rất khó. Kể cả khi đã cấm rồi, thì vẫn có người sẽ âm thầm vi phạm. Họ chạy đường này, hẻm khác, a lô người này, gọi người khác để tìm cách né chốt nồng độ cồn. Nhưng cấm vẫn là hướng của văn minh, được nhiều người ủng hộ. Nhìn về tương lai, có thể thay đổi văn hóa của thế hệ tiếp theo. Có khi, sau này, chính con cháu chúng ta sẽ nhìn lại và ngạc nhiên: Ô hay, thời đó uống rượu và lái xe!  

Nói đến cùng, không ai cấm một người uống rượu. Cũng không ai trách cứ, phẫn nộ trước một người say rượu hiền lành. 

Nhưng đã uống thì không lái xe!

Đơn giản, ngắn gọn, dứt khoát. Để cuộc đời sẽ bớt đi những giây phút kinh hoàng.

HOÀNG NAM

 

 

.
.
.