Dõi theo kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối của chương trình học cũ
Ngày 26/6 tới đây, các thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT (26-28/6) năm 2024. Đây là lứa thí sinh chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dù vậy, bằng sự nỗ lực của toàn ngành và mỗi địa phương, các thí sinh đã sẵn sàng tâm thế, cũng như được tạo mọi điều kiện tốt nhất cho kỳ thi này.
Dù không có thay đổi mới về cách thức tổ chức, song đây là kỳ thi nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả xã hội. Bởi kỳ thi này sẽ khép lại chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, nhưng sẽ là tiền đề, chuẩn bị tốt cho kỳ thi năm sau theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chính vì vậy, việc tổ chức kỳ thi càng phải được làm chu đáo, cẩn thận. Bởi chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội. Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để cùng với địa phương đảm bảo an toàn về mọi phương diện; ứng phó với các tình huống bất thường xảy ra. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khả năng có thể để hỗ trợ cho thí sinh tham gia kỳ thi an toàn.
Theo đó, kỳ thi năm 2024, Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm 2024 là 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm 2023), khoảng gần 200.000 cán bộ được điều động tham gia công tác tổ chức thi. Toàn quốc có 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức kỳ thi sớm hơn những năm trước. Điều này được các địa phương đánh giá cao, tạo sự chủ động, để các tỉnh/thành phố thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh/thành phố, cấp huyện, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể.
Đặc biệt, năm nay, ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai tổ chức các hoạt động liên quan đến kỳ thi trên nền tảng số. Việc này được thực hiện toàn diện, chặt chẽ hơn những năm trước, rút ra những bài học kinh nghiệm, hoàn thiện và mang đến thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.
Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, toàn tỉnh có 12.672 thí sinh đăng ký dự thi với 24 điểm thi, 548 phòng thi. Nhằm bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho kỳ thi Ban chỉ đạo kỳ thi của tỉnh đã tổ chức 2 đợt kiểm tra công tác chuẩn bị trước kỳ thi. Các khâu chuẩn bị cho kỳ thi được bố trí cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đề thi, bảo mật đề thi, tổ chức thi ở các điểm, tránh sai sót, các giải pháp không để thí sinh mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi...
Cùng với đó, các thí sinh cần chuẩn bị tâm lý, sức khỏe để vượt qua áp lực thi cử. Hãy tránh việc nhồi nhét kiến thức vào phút cuối. Thay vào đó, thí sinh nên làm những việc khiến bản thân cảm thấy thoải mái, có thể là xem những nội dung giải trí, hoạt động thể thao,... Những việc này giúp đầu óc các em thoải mái trước giờ thi. Mỗi thí sinh hãy tự rèn luyện tâm lý phòng thi thật vững, tránh bị ảnh hưởng bởi những ngoại cảnh không quá quan trọng. Các thí sinh có thể tự giả lập phòng thi tại nhà bằng cách ngồi trong phòng yên tĩnh, tự bấm đồng hồ và làm bài thật nghiêm túc trong đúng thời gian thi của môn bạn muốn làm.
NGUYỄN THI