.

Thúc đẩy chuyển đổi xanh

Cập nhật: 18:09, 26/06/2024 (GMT+7)

Món quà mà những người bạn làm ở Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) tặng trong dịp ghé thăm là chiếc túi xách với họa tiết khá bắt mắt. Nhưng câu chuyện nguồn gốc xuất xứ của chiếc túi lại khá thú vị, thu hút sự chú ý của nhiều người. Đó là sản phẩm được tái chế từ tấm banner tuyên truyền trong dịp ra quân trồng cây đước ở rừng ngập mặn tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Thay vì dùng xong rồi vứt đi, vừa lãng phí vừa gây tổn hại đến môi trường thì tấm banner được tái tạo để bắt đầu một vòng đời mới. Theo đại diện LSP thì tất cả rác thải trong quá trình hoạt động đều được đơn vị phân loại để tái chế với nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. DN này cũng cam kết tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ và thu hồi sản phẩm thải bỏ. Đây cũng là minh chứng thể hiện cam kết mạnh mẽ của LSP thúc đẩy các giá trị bền vững, tập trung vào nguyên tắc ESG (môi trường, xã hội và quản trị) thông qua xây dựng văn hóa quản lý rác thải có trách nhiệm.

Đặc biệt, mới đây LSP đã được lựa chọn làm đối tác phối hợp trong việc thiết kế xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn để triển khai tại trụ sở Sở TN-MT. Theo mô hình này, rác thải được phân loại thành 3 nhóm chính, mỗi loại được bỏ vào các thùng rác riêng biệt để thu gom và xử lý hiệu quả, bao gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải khác được phân thành chất thải nguy hại, chất thải khác còn lại. Nếu mô hình phân loại rác tại nguồn được triển khai tại Sở TN-MT thành công sẽ được xem là mô hình tiêu chuẩn, làm cơ sở đề xuất áp dụng triển khai nhân rộng trong khu Trung tâm hành chính tỉnh.

LSP là một trong số rất nhiều DN tại Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn và lan tỏa thông điệp “nghĩ xanh – hành động xanh” đến với cộng đồng. Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, xây dựng kinh tế carbon thấp, chắc chắn rằng đối với cộng đồng DN, yêu cầu đặt ra về phát triển kinh tế tuần hoàn càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngoài việc tăng cường tái chế, giảm phát thải thì phát triển kinh tế tuần hoàn ở mỗi DN đi liền với đổi mới và áp dụng công nghệ hiện đại, trang bị máy móc, thiết bị mới theo tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, đây cũng chính là trở ngại lớn của DN khi phải đầu tư chi phí khá lớn.

Điều đáng mừng là trong vài năm trở lại đây, mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã và đang được đặc biệt quan tâm. Kể từ năm 2020, khái niệm Kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất, người tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả.

Những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương sẽ là đòn bẩy để DN tham gia một cách tích cực hơn, đầu tư bài bản và lâu dài hơn cho quá trình thúc đẩy giảm phát thải, chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh để cùng Chính phủ đạt được mục tiêu về Net Zero.

LAM GIANG

.
.
.