.

Gia đình là nơi để trở về

Cập nhật: 17:38, 27/06/2024 (GMT+7)

Chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm nay là: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, mang ý nghĩa đề cao vai trò của gia đình đối với việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Với người Việt Nam, gia đình là một kết cấu vững chắc. Ở đó, các thành viên có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ trong tình vợ - chồng hay máu thịt giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, anh chị em. Trong cuộc mưu sinh vất vả ngoài xã hội, người ta có thể cạnh tranh, hơn thua để giành phần lợi về mình. Bước vào nhà - gia đình, mọi sự được hơn, địa vị, quyền lực, giàu sang đều bỏ lại bên ngoài, chỉ còn lại tình thương yêu vô điều kiện giữa vợ - chồng; ông bà, cha mẹ với con cháu, giữa anh chị em với nhau.

Người xưa đã đúc kết: “Đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”, “Của chồng, công vợ”, hay “Đằng sau sự thành công của người phụ nữ có bóng dáng của gia đình”, để nói nên tầm quan trọng của gia đình. Một cá nhân sẽ không thể thành công khi không có sự giúp sức của vợ/chồng và suy rộng ra còn là sự hậu thuẫn của ông bà, cha mẹ, con cái. Bởi trong có “ấm” thì ngoài mới “êm”. Gia đình có hạnh phúc, ấm êm thì mỗi cá nhân mới có thể toàn tâm toàn ý dành công sức cho công việc, học tập.

Khi chia tay cha mẹ hoặc vợ/chồng để đi xa, người ra đi luôn nhận được những lời động viên, dặn dò đại ý: Nếu khó khăn quá thì hãy về nhà; Cuộc sống ở thành phố khổ quá thì về đây mẹ nuôi... Những người khởi nghiệp tại chỗ thì luôn được cha mẹ, vợ con động viên, cổ vũ, chung vai sát cánh. 

Ai phải xa nhà, xa gia đình mà chẳng mong sớm kết thúc để về nhà mình, với gia đình mình? Lúc lên đường thì háo hức lắm, thích thú lắm, có khi còn “mải vui quên hết lời em dặn dò”. Nhưng rồi, cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc, rong chơi lắm cũng chồn chân. Khi đó, người ta lại nghĩ tới gia đình và muốn trở về nhà. Nhà mình có thể hơi bừa bộn một chút, thiếu thốn một chút, tiện nghi không bằng khách sạn nhưng đó là “tổ ấm”. Trở về “tổ ấm” là trở về với những người thân thương, với những yêu thương. Chỉ có ở “tổ ấm”, ta mới được là chính mình, tự do, thoải mái, không bị đè nặng bởi áp lực công việc và cuộc sống.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi. Lối sống hiện đại làm thay đổi những thói quen, nền nếp của gia đình truyền thống. Những cuộc sum họp, cả nhà quây quần bên mâm cơm hay cùng nhau xem tivi cũng ít dần. Sự gắn kết ở một bộ phận gia đình có phần lỏng lẻo hơn so với gia đình truyền thống...

Thế nhưng, chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Gia đình vẫn luôn là nơi để mỗi người trở về sau cuộc mưu sinh, nơi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chở che, bảo bọc cho mỗi thành viên.

Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình, những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời xưa. Đây cũng là dịp để mọi người trong gia đình quan tâm nhau, xã hội quan tâm đến trẻ em, cha mẹ hiểu được giá trị của gia đình, cùng nhau giáo dục con cái tốt hơn để có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Nhưng để gia đình hạnh phúc vững bền, góp phần xây dựng quốc gia thịnh vượng, mỗi thành viên phải nỗ lực vun đắp từng ngày. Bởi lẽ, mỗi gia đình được coi là một tế bào của xã hội. Tế bào đó có khỏe mạnh thì xã hội, quốc gia mới khỏe mạnh. Gia đình càng hạnh phúc thì mỗi cá nhân càng có điều kiện và nhiệt huyết để cống hiến, xây dựng, phát triển gia đình, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

NGUYỄN ĐỨC

 
.
.
.