Tôn tạo di tích, đừng 'làm mới'
Bảo vệ và tôn tạo di tích là một trong những nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến khi góp ý về Luật Di sản văn hóa và thảo luận Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 tại Kỳ thứ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Sở dĩ việc bảo tồn di tích đang được các đại biểu Quốc hội quan tâm bởi thời gian qua, nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị biến dạng mau chóng bởi sự tác động củahoạt động xung quanh. Hàng loạt vụ việc di tích bị tự ý sửa chữa “bê tông hóa” “ làm mới” khiến cho di tích bị mất đi yếu tố gốc, thay đổi nghiêm trọng giá trị lịch sử của di tích.
Đại biểu Trần Việt Anh (chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục) cho rằng: "Bảo tồn, tôn tạo là chữa bệnh cho di tích mà chữa bệnh thì phải biết có bệnh gì, nếu cứ lao vào làm luôn thì di tích nghìn năm tuổi sau bảo tồn lại còn có một tuổi, cần hết sức thận trọng". Theo đại biểu, việc tu bổ di tích đòi hỏi nhiều công đoạn từ lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, hội thảo, tham vấn chuyên gia và khảo cổ học. Riêng quy trình khảo cổ học tốn khoảng 2 năm, cộng thêm thời gian chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án.
Một quy trình bảo tồn di tích như vậy đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Hiện cả nước có khoảng 4.000 di tích quốc gia, 70% trong số đó được tôn tạo, tương đương 2.800 di tích trong 5 năm tới, kinh phí có lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, cần phải thúc đẩy các nguồn lực từ xã hội cho công tác bảo tồn di tích. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) thành lập Giải thưởng Di sản Văn hóa của EU, dành cho những cá nhân hoặc tổ chức thúc đẩy quá trình bảo tồn di sản văn hóa trong thực tiễn hoặc nâng cao các phương pháp bảo tồn.
Hay việc thúc đẩy các chương trình quyên góp cũng được coi là một trong những biện pháp được châu Âu áp dụng để bổ sung nguồn ngân sách hạn chế của chính phủ dành cho công tác bảo tồn di sản văn hóa. Nhiều tổ chức và người dân sẵn sàng quyên góp tiền để bảo tồn các tòa nhà lịch sử của đất nước.
Bên cạnh đó, một số quốc gia đã tạo khung pháp luật để nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa trong nhân dân. Tại Ấn Độ, là một trong những quốc gia có lượng di sản văn hóa dồi dào và độc đáo bậc nhất thế giới, Hiến pháp nước này quy định nghĩa vụ của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Không chỉ Hiến pháp, nhiều văn bản pháp lý được xây dựng khá cụ thể, chặt chẽ nhằm hướng đến việc bảo vệ các di sản văn hóa tốt hơn, như Đạo luật Di tích cổ và Địa điểm di tích cổ (hay Đạo luật AMASR). Đạo luật này được sửa đổi vào năm 2010 quy định về Cơ quan Di tích quốc gia (NMA) đảm đương nhiệm vụ bảo vệ các di tích cổ và các khu vực hạn chế ra vào xung quanh…
Công cuộc bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa nói chung, những di tích lịch sử nói riêng, bên cạnh việc luật hóa còn cần trách nhiệm, ý thức của mỗi người cùng chung tay bảo vệ, tôn tạo để di tích không bị lụi tàn trước những biến chuyển của thời gian.
NGUYỄN THI