Thấy gì từ chuyển đổi mô hình quản lý chợ?
Trở lại chợ Phước Hải, huyện Đất Đỏ trong một dịp dẫn người thân từ Hà Nội vào du lịch, tôi đã không khỏi ngạc nhiên bởi vẻ sầm uất nơi đây.
Chợ được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Là một trong những nơi chuyên cung cấp các loại hải sản tươi sống lớn trên địa bàn tỉnh, nhiều thương lái tập trung về chợ Phước Hải để lấy hàng đi các nơi phân phối hoặc bán ở chợ khác.
Điều đáng nói là, chợ được quy hoạch các khu hàng hóa đâu ra đấy, do đó tình trạng xuống cấp, mất vệ sinh như trước đây đã được cải thiện. Nhiều du khách khi tham quan Đất Đỏ ghé chợ tỏ ra thích thú khi mua sắm hải sản về làm quà.
Qua câu chuyện với người quản lý chợ được biết, từ khi chuyển đổi mô hình, doanh nghiệp vào quản lý, chợ Phước Hải đã khai thác được lợi thế, tiềm năng cũng như hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, mỗi năm đơn vị khai thác chợ đã đóng góp vào ngân sách địa phương hơn 1,3 tỷ đồng.
Chợ Phước Hải là 1 trong 4 chợ đã triển khai thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý theo Quyết định số 3537/QĐ-UBND ngày 11/12/2017 của UBND tỉnh (bao gồm Phước Hải, Bình Châu, Ngãi Giao và Châu Pha).
Sở Công thương đánh giá, qua 6 năm triển khai bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhất là trong công tác tăng thu ngân sách và các chợ được đầu tư sửa chữa khang trang hơn, góp phần khai thác được tiềm năng cũng như tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.
Có thể dẫn chứng từ chợ Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, trước khi chuyển đổi, địa phương phải bù lỗ cho các khoản thu gom vận chuyển rác thải, nhân sự của Ban quản lý chợ. Sau khi tiếp nhận quản lý chợ, Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Thanh Chiến đã xây dựng lại nhiều khu, mặt bằng chợ đảm bảo sạch sẽ, khang trang hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tiểu thương và người dân. Hàng năm tăng thu cho ngân sách huyện khoảng 630 triệu đồng.
Câu chuyện trên cho thấy, việc chuyển đổi mô hình quản lý đã giúp cho các chợ được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Ngoài ra, bà con tiểu thương cũng đang dần thay đổi phương thức kinh doanh mới, phù hợp hơn với thực tại.
Thế nhưng thực tế hiện nay, trước áp lực cạnh tranh với thương mại hiện đại, trung tâm mua sắm, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Thêm vào đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của chợ cóc, chợ tự phát xung quanh chợ truyền thống. Do vậy, hình ảnh quầy đóng cửa, rao bán tại các chợ truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều. Số lượng hộ kinh doanh tại các chợ đã giảm đi khoảng 30-50%.
Theo Bộ Công thương, 40% lưu lượng hàng hóa vẫn được lưu thông qua các mạng lưới chợ, còn ở khu vực nông thôn là 70%. Do vậy, chợ vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động mua bán hàng ngày của người dân.
Để nâng cao hiệu quả, vai trò chợ truyền thống, ngày 5/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP quy định về phát triển và quản lý chợ. Nghị định này quy định chính sách, cơ chế phát triển và quản lý chợ, bao gồm đầu tư xây dựng chợ (gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng); tổ chức quản lý chợ và hoạt động kinh doanh tại chợ; quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Tại cuộc họp báo cáo kết quả thực hiện công tác thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh ngày 18/6 vừa qua, Sở Công thương đã đề xuất dừng thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo Quyết định số 3537/QĐ-UBND của UBND tỉnh và sẽ áp dụng theo các quy định cụ thể tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP.
Rõ ràng, câu chuyện về việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống làm thế nào để hiệu quả vẫn luôn là bài toán khó. Tuy nhiên, dù hoạt động với mô hình nào thì đích đến cuối cùng vẫn là phải phát huy vai trò chợ truyền thống trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
LAM GIANG