.

Cú bắt tay chưa có tiền lệ

Cập nhật: 15:29, 26/05/2024 (GMT+7)

Sự kiện cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (TCTT) và cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) mở cổng kết nối, hợp tác khai thác cầu bến chung được đánh giá là chưa có trong tiền lệ ngành khai thác cảng biển Việt Nam. 

Có quá nhiều lợi ích từ việc mở cổng kết nối, mà quan trọng nhất là 2 cảng tận dụng kết cấu hạ tầng, giúp đón cùng lúc nhiều tàu lớn, nâng cao hiệu suất hoạt động, năng lực thông quan và thỏa mãn một phần đòi hỏi của các hãng tàu trong việc giảm thời gian neo đậu tại cảng để kéo giảm chi phí. 

Cụ thể, trước đây mỗi cầu cảng dài khoảng 600m, nhưng sau khi kết nối tạo thành cầu cảng dài 1.200m, để có thể đón cùng lúc 3 tàu lớn, tăng thêm từ 30-40% công suất của 2 cảng, tương đương 800 ngàn TEU/năm.

Tổng Giám đốc cảng CMIT Nguyễn Xuân Kỳ gọi đây là “một chương mới” trong hoạt động của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải. Đánh dấu một bước chuyển quan trọng về nhận thức chung trong việc nâng cao hiệu quả khai thác và cạnh tranh của 2 cảng TCTT và CMIT. 

Trong tương lai, nếu hình mẫu của cú bắt tay hợp tác như vậy được nhân rộng, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ khắc phục được tối đa mâu thuẫn trong quy hoạch hiện hữu với xu thế chuyển dịch của ngành vận tải biển thế giới. Những điều mà từ hàng chục năm trước, khi bắt đầu quá trình đầu tư, hình thành hệ thống cảng, chưa thể nhận diện rõ.

Hiện nay, các hãng tàu ưu tiên sử dụng tàu lớn (chiều dài từ 350m đến 400m) để tối ưu hóa lợi nhuận. Một thống kê cho thấy, trong những năm qua, số lượng tàu mẹ cập cảng Cái Mép đạt 44 chuyến/tuần. Trong đó, kích cỡ tàu cập cảng khu vực Cái Mép ngày càng tăng, chiều dài tàu lên tới 400m. Xu hướng trong tương lai là các hãng tàu sẽ tiếp tục đóng mới và đưa vào khai thác những tàu có kích cỡ lớn hơn. 

Trong khi đó, quy hoạch phát triển hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, qua thời gian, từng bước lộ diện sự bất cập, manh mún, nhỏ lẻ, đã được chính các đơn vị quản lý, khai thác cảng và chuyên gia trong lĩnh vực nhìn nhận. Nói một cách đơn giản, quy mô của cầu cảng lỡ cỡ với các tàu trọng tải lớn. Đón một tàu thì thừa, đón 2 cùng lúc lại thiếu. Dẫn đến các cảng bị đặt vào tình trạng bị động, vừa không theo kịp xu hướng của vận tải biển thế giới, vừa lãng phí đầu tư, không tận dụng được năng lực dư thừa.

Sự hợp tác, bắt tay, “thông cổng kết nối” vì thế có thể coi là bước ngoặt mang tính bản lề, phù hợp với định hướng hiện đại hoá cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. 

Dĩ nhiên, việc mở cổng, phá bỏ hàng rào cứng giữa 2 cảng không phải là chuyện đơn giản, kiểu như hàng xóm mở rào nối thông đất vườn lẫn nhau. Để có mở cổng kết nối, từ đầu năm 2023, các cơ quan quản lý nhà nước, từ Cục Hải quan tỉnh đến Bộ GTVT đã thận trọng cho phép thí điểm. Việc triển khai thực hiện diễn ra từng bước và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Lợi thế của 2 cảng là hệ thống cầu bến cảng tương đồng, có cao trình bến ngang nhau, tuyến mép bến và đường ray cẩu bờ thẳng hàng và có cùng khẩu độ ray. 

Tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, với đặc tính phân bố là một cụm cảng liền dải nên có khá nhiều cảng có thể thực hiện việc mở cổng kết nối. Nhưng điều quan trọng là các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, khai thác cảng biển cùng nhìn về một hướng, cùng xây dựng được một cơ chế quản lý, phối hợp hiệu quả, vì lợi ích chung, vì tương lai chung của cả cụm cảng. Kèm theo là sự vào cuộc tích cực, hỗ trợ tối đa của các cơ quan quản lý nhà nước.

HOÀNG NAM

.
.
.