Ứng xử có trách nhiệm với môi trường
“Muốn cải thiện, nâng tầm môi trường du lịch để góp phần thu hút du khách đến với Vũng Tàu được nhiều hơn thì cảnh vật và con người Vũng Tàu phải hiền hòa, thân thiện; môi trường tự nhiên phải trong lành, sạch đẹp. Muốn vậy, không gì khác hơn là phải nâng tầm văn hóa ứng xử trong Nhân dân”.
Kinh nghiệm trên được bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vũng Tàu chia sẻ tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, do Tỉnh ủy tổ chức mới đây.
Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung, TP.Vũng Tàu nói riêng luôn chú trọng thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường du lịch. Chủ trương cấm ăn uống, xả rác trên bãi biển, khu vực công cộng được TP.Vũng Tàu khởi xướng từ năm 2016, sau đó nhanh chóng được nhân rộng ra toàn tỉnh. Hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Nhiều phong trào, mô hình thiết thực trong bảo vệ biển, bảo vệ môi trường được phát động rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện nhặt rác được thành lập, định kỳ hàng tuần thu gom rác tại bãi biển, sườn Núi Lớn, Núi Nhỏ, ngày càng thu hút nhiều người tham gia.
Nhờ đó, dù mỗi năm đón hàng chục triệu lượt du khách (năm 2023 đón hơn 14 triệu lượt), nhưng các bãi tắm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại TP.Vũng Tàu luôn bảo đảm sạch sẽ, kể cả trong những ngày cao điểm lễ, tết. Hình ảnh rác thải sinh hoạt như bao nylon, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần lẫn trong nước biển đã không còn nữa, thay vào đó là những bãi tắm trong xanh, sạch sẽ. Ở khu vực dân cư, tính đến nay, tình trạng đổ rác bừa bãi trên địa bàn Vũng Tàu đã giảm hơn 80% so với thời điểm năm 2023.
Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn còn xảy ra những hành vi ứng xử không tốt với môi trường như vụ 2 thanh niên dùng xe ô tô chở rác thải đi đổ trộm ở khu đất trống trên địa bàn phường 10, hay một du khách đứng trên bờ kè đường Trần Phú phóng uế xuống biển bị người dân ghi hình gửi cơ quan chức năng xử lý hồi đầu tháng 5. Ngoài ra, tình trạng người dân, du khách ngồi ăn uống trên bờ kè biển rồi bỏ lại rác thải còn khá phổ biến ở nhiều địa phương có biển trên địa bàn tỉnh.
Thực tế đó cho thấy, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, lực lượng tình nguyện viên là chưa đủ để xóa bỏ triệt để những hành vi ứng xử thô bạo với môi trường, mà cần có sự chung tay của mỗi người dân, du khách. Nước ta xuất phát từ một nước nông nghiệp. Một bộ phận người dân vẫn còn thói quen, sinh hoạt tùy tiện, chưa có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm bảo vệ môi trường, cũng như chưa hình thành ý thức văn minh, nên không tránh khỏi những hành vi kể trên.
Để thay đổi thói quen, xây dựng ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống cần quá trình lâu dài. Trong đó, việc giáo dục cho trẻ ngay từ nhỏ là rất quan trọng. Nhà trường, gia đình cần giáo dục trẻ ý thức và thói quen bỏ rác đúng nơi quy định. Người lớn cần nêu gương, thực hành và hướng dẫn trẻ thực hiện các hành vi ứng xử chuẩn mực với môi trường.
Ở góc độ pháp lý, các hành vi xả rác, phóng uế bừa bãi chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mức vài trăm ngàn đồng là chưa đủ sức răn đe. Chưa kể, những người thực hiện các hành vi này thường làm lén lút nên khó bị phát hiện, bắt quả tang. Điều đó đòi hỏi phải sửa đổi chế tài xử phạt đối với những hành vi xâm hại môi trường theo hướng tăng nặng, kèm theo đó là buộc người vi phạm khắc phục hậu quả, lao động công ích…
Ý thức bảo vệ môi trường, lối sống văn minh được xây dựng và hình thành ngay từ nhỏ sẽ giúp thế hệ tương lai có thái độ và hành vi ứng xử chuẩn mực, có trách nhiệm trong cuộc sống, bao gồm cả trách nhiệm với môi trường!
NGUYỄN ĐỨC