Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), khắp nơi trong cả nước đã và đang tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm tôn vinh, khẳng định và lan tỏa giá trị của sách trong đời sống xã hội.
Lâu nay, sách luôn được coi là người bạn quý, là người thầy cung cấp tri thức phong phú, là kênh giải trí bổ ích cho con người. Sách giúp người đọc làm dày thêm kiến thức mọi mặt trong cuộc sống, từ kiến thức khoa học đến phổ thông, từ thiên văn, địa lý đến lịch sử, từ chuyện hư cấu với trí tưởng tượng không biên giới đến kiến thức thực tế liên quan đến việc làm ăn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu, bồi đắp tâm hồn…
Khoảng đầu những năm 2000 trở về trước, khi mạng Internet và mạng xã hội chưa phát triển như hiện nay, cùng với truyền hình, radio, báo chí, sách là một trong những nguồn cung cấp kiến thức và là kênh giải trí quan trọng trong đời sống tinh thần mỗi người. Với thế hệ 8x như chúng tôi, sách khi ấy còn hiếm nên càng quý. Thấy cuốn sách nào là đọc ngấu nghiến đến quên ăn, quên ngủ. Mỗi tập truyện tranh dài kỳ (xuất bản mỗi tuần 1 tập), chúng tôi luôn chờ đợi trong tâm trạng háo hức. Đến ngày phát hành, tan học là chạy vội ra cửa hàng sách để mua (hoặc thuê) cho kịp, vì sợ chỉ trễ vài phút là không còn. Nhiều kiến thức, nhiều câu chuyện đọc được từ sách thời ấy, đến nay mấy chục năm vẫn còn nhớ.
Những năm gần đây, ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ với hàng triệu bản sách được phát hành mỗi tháng. Đầu sách cũng phong phú về thể loại, đa dạng về nội dung. Hệ thống nhà sách ngày càng mở rộng, bao phủ từ thành thị đến nông thôn. Theo đó, người đọc dễ dàng tiếp cận sách hơn. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet và mạng xã hội, ngày nay phần lớn người dân đều sở hữu điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng. Nhu cầu, kênh giải trí cũng đa dạng hơn. Để tiếp cận bạn đọc, cùng với sách in, các nhà xuất bản, doanh nghiệp làm sách còn cho ra đời các loại hình sách điện tử, sách nói.
Bên cạnh đó, ngoài hình thức phát hành sách truyền thống, các nhà xuất bản, nhà sách cũng tìm cách đưa sách đến với người đọc bằng nhiều hình thức phù hợp. Một trong những hình thức đó là mô hình đường sách, quán cà phê sách. TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội là những địa phương tiên phong mở đường sách, phố sách. Tiếp đó, đường sách được mở tại TP.Vũng Tàu, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) và một số tỉnh, thành khác… Mô hình đường sách, phố sách đã bắt nhịp và đáp ứng nhu cầu hiện đại và thị hiếu người đọc. Đi kèm sách là nhiều dịch vụ bổ trợ như: cà phê, giải khát, các trò chơi dành cho thiếu nhi. Để thu hút bạn đọc, ban quản lý các đường sách còn phối hợp nhà xuất bản, nhà sách thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, giới thiệu tác giả tác phẩm, thi kể chuyện theo sách…
Hệ thống thư viện cũng thường xuyên đổi mới hoạt động nhằm đưa sách đến với bạn đọc thông qua hình thức trưng bày, giới thiệu sách lưu động tại trường học, luân chuyển sách, tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của sách, đưa sách đến với chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Nhiều người bày tỏ lo ngại về chỗ đứng của sách trước sự bùng nổ của mạng Internet và mạng xã hội với những kênh giải trí, những video kiểu “mì ăn liền”, nội dung hời hợt, nhảm nhí nhưng thu hút hàng triệu lượt xem. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng giới trẻ, thế hệ sinh sau năm 2000 ít đọc sách, suốt ngày “cắm mặt” vào chiếc điện thoại.
Lo thì lo vậy thôi chứ thực tế sách vẫn có chỗ đứng riêng. Những cuốn sách hay, phù hợp vẫn được đông đảo bạn đọc đón nhận, tái bản nhiều lần. Nhiều tác phẩm văn học thuộc diện “best seller” được chuyển thể thành phim. Nhìn vào sự phát triển, mở rộng của các nhà sách cùng sự phát triển của các nhà xuất bản sẽ thấy, sách vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng người đọc.
Kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc là dịp để nhắc nhớ, tôn vinh giá trị của sách, còn hoạt động đưa sách đến với người đọc, để sách luôn được yêu quý phải là việc làm thường xuyên. Việc này có vai trò quan trọng của các nhà xuất bản, nhà sách, thư viện, trường học và mỗi gia đình. Nếu các hoạt động giới thiệu sách phong phú, hấp dẫn, bắt đúng thị hiếu và nội dung sách hay, đáp ứng yêu cầu của người đọc thì sách vẫn luôn chiếm vị trí nhất định trong lòng người đọc, kể cả là trong giới trẻ.
NGUYỄN ĐỨC