Câu chuyện trong thang máy giữa 2 phụ huynh có con học tiểu học vô tình lướt qua tôi. Một người bày tỏ bức xúc vì cô N., giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 2 của con không giao bài tập về nhà, khiến đứa bé không có gì để học… Vị phụ huynh còn lại khuyên bạn nên cho con chuyển lớp sang cô H., cô này thường xuyên giao bài tập về nhà cho học sinh.
Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều GV vẫn “vượt rào” giao thêm bài tập cho học sinh về nhà làm. Nếu GV không giao bài tập về nhà rất dễ bị phụ huynh “tẩy chay” như trường hợp 2 bà mẹ nói trên.
Việc nên hay không nên giao bài tập về nhà cho HS đã tồn tại như một mâu thuẫn nhiều năm nay. Quy định không giao bài tập về nhà cho HS tiểu học trường 2 buổi/ngày của Bộ GD-ĐT nhằm giúp trẻ tránh áp lực học tập, để trẻ có thời gian vui chơi, ngủ đủ giấc, học tập rèn luyện các kỹ năng khác ngoài chương trình học trong nhà trường. Tuy nhiên, chính phụ huynh lại mong muốn trẻ có bài tập về nhà. Ngoài lý do muốn trẻ đạt được điểm số cao trong các kỳ kiểm tra, đánh giá, phụ hunh lo lắng trẻ không có bài tập về nhà dễ sa đà vào việc coi ti vi, điện thoại, chơi game.
Thực tế, suy nghĩ của cha mẹ chỉ đơn thuần dừng lại ở việc quản lý thời gian của trẻ. Nếu không làm bài tập, trẻ có thể làm gì? Cha mẹ có thể giao một số việc nhà phù hợp với trẻ để trẻ có thể học tập các kỹ năng khi làm việc như nấu cơm, phụ cha mẹ gấp quần áo, lặt rau… Hoặc cho trẻ tham gia các lớp học năng khiếu, thể thao mà trẻ yêu thích. Phụ huynh cũng có thể tạo cho trẻ những hoạt động sinh hoạt gia đình như cùng nhau xem phim, đọc sách, đi dạo bộ, vui chơi công viên…
GV cũng có thể thay đổi việc giao bài tập bằng các nhiệm vụ phù hợp với trẻ. Các nhiệm vụ này là sự kết nối kiến thức đang học ở trường với thực tế cuộc sống thông qua các hoạt động trải nghiệm. Chẳng hạn, GV giao cho các nhóm trẻ sưu tầm các loại lá cây, vỏ ốc, vỏ sò… cho bài học về khoa học tự nhiên, bảo vệ môi trường. Hay giao cho trẻ cùng cha mẹ làm bánh, nước ép trái cây và quay clip lại để nộp sản phẩm. Qua đó, trẻ có thể học các phép tính thông qua việc tính toán số lượng nguyên liệu cho công thức chế biến. GV cũng có thể giao cho trẻ kể lại câu chuyện yêu thích mà mình đã được nghe bố mẹ, anh chị kể hay câu chuyện kể xem trên ti vi…
Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo hướng mở, GV hoàn toàn có thể chủ động thiết kế những nhiệm vụ, hoạt động trải nghiệm thay vì những bài tập về nhà. Điều này không chỉ kích thích trẻ “động não” mà còn giúp trẻ tăng tính sáng tạo, tò mò khám phá ở trẻ.
Đối với học sinh lớp 4,5, lúc này các em đã hình thành năng lực tự học, GV có thể giao một vài bài tập về nhà để các em rèn luyện tư duy và khả năng tự học. Nhưng không nhất thiết phải giao bài tập đồng đều cho tất cả HS. Có những nhóm HS chỉ cần củng cố lại kiến thức đã học. Cũng có những nhóm HS giỏi, sẽ tốt hơn nếu được làm thêm những bài tập về nhà để nâng cao kiến thức.
NGUYỄN THI