.

Báo chí và thách thức số

Cập nhật: 19:01, 15/03/2024 (GMT+7)

Chỉ cần 5 phút, hệ thống tổng hợp tin tức của một trang thông tin điện tử được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam có tên viết tắt là B.M., đã có thể chuyển toàn bộ tin, ảnh, clip vừa đăng của một tờ báo, thành sản phẩm trên trang của họ. 

Với số người theo dõi khổng lồ, lượng truy cập lớn, và với cách thức tiếp cận thông tin của độc giả hiện nay, các trang tin điện tử dễ dàng hạ gục “bản tin gốc” của cơ quan báo chí. 

Vì thế, có những thông tin khi được đăng tải trên BM có thể có đến vài triệu lượt truy cập, nhưng trên trang báo điện tử, nơi nguồn tin chính thống được đăng tải đầu tiên, lại chỉ có vài trăm lượt xem.

Và dù bản tin copy trên trang thông tin điện tử có được dẫn nguồn đầy đủ, thậm chí có cả những văn bản thể hiện sự thỏa thuận hợp tác sử dụng nguồn tin, thì cũng khó có thể nói rằng, các cơ quan báo chí, nơi đầu nguồn của thông tin sẽ được hưởng lợi gì từ những kiểu hợp tác như vậy.

Trên thực tế, xuất bản báo chí là một quy trình 2 chiều: sản phẩm báo chí - phương tiện chuyển tải thông tin - độc giả - phản hồi và xử lý phản hồi của độc giả. Nghĩa là không phải một bản tin, một bài viết, một hình ảnh được đăng tải lên trang báo điện tử, báo in hay một kênh truyền hình đã được coi là chấm dứt quy trình xuất bản. Phía sau mặt báo, còn phải chờ đợi phản hồi, xử lý dư luận. Chưa kể, những tác phẩm báo chí có sai sót nghiêm trọng còn bắt buộc phải tháo gỡ, thu hồi, đăng thông tin cải chính… Trong trường hợp đó, cơ quan báo chí sẽ xử lý như thế nào khi bản tin của mình đã được copy và xuất bản ở các trang mạng điện tử?

Thực tế, trên môi trường số, rất ít bạn đọc có thể nhận diện rõ đâu là sản phẩm của một cơ quan báo chí, và đâu là trang thông tin điện tử. Nhiều người coi tất cả những gì được trình bày trên điện thoại tương tự như một bài viết, một bản tin thì đó đều là báo chí. Đây là nhầm lẫn tai hại. Vì thế cũng có nhiều người làm việc ở các trang tin điện tử, đội lốt nhà báo, phóng viên hành sự sai lệch.

Ứng phó với những vấn đề phát sinh trên môi trường số đang là thách thức lớn của báo chí. Tại lễ khai mạc Hội báo toàn quốc 2024, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đề cập đến vấn đề này. “Trí tuệ nhân tạo khiến báo chí đang đối mặt nguy cơ bị sử dụng trái phép dữ liệu, bản quyền báo chí trên môi trường số. Sự phát triển không ngừng của báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu với những công cụ số như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối... đã tạo ra thách thức cho các cơ quan báo chí, người làm báo”, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Đương nhiên, trên môi trường số, với mức độ phát tán thông tin đa nền tảng, cơ quan báo chí cũng có nhiều cơ hội để tiếp cận với bạn đọc. Nhưng điều này đòi hỏi sự đổi mới toàn diện hoạt động báo chí, bảo đảm thế chủ động của báo chí trong định hướng, dẫn dắt thông tin. 

Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, quan tâm nhiều hơn đến việc nghiên cứu công chúng và xu hướng truyền thông hiện đại để sản xuất các tác phẩm có tính cạnh tranh cao, hấp dẫn bạn đọc. Đồng thời, báo chí và các cơ quan báo chí cũng phải xây dựng môi trường đoàn kết, tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và nhất là cùng nhau bảo vệ bản quyền.

PHAN HÀ

 
.
.
.