Động lực để phát triển
"Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, ngày 1/5/1952.
Trước đó, ngày 11/6/1948, nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Người tin tưởng: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp Nhân dân và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi và quán triệt tư tưởng của Người, từ đó đến nay, phong trào thi đua yêu nước được duy trì thường xuyên, được phát động rộng rãi trong mọi ngành nghề, mọi giới và các tầng lớp Nhân dân. Tùy theo tình hình thực tế và bối cảnh đất nước, phong trào thi đua được phát động thiết thực, phù hợp và đã mang lại những kết quả quan trọng.
Trong kháng chiến, nhiều phong trào thi đua đã góp phần giúp quân và dân ta giành thắng lợi, đỉnh cao là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong thời bình, các phong trào thi đua gắn với mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế, phát triển đất nước, xây dựng nếp sống mới, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, phong trào thi đua như “trăm hoa đua nở” trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; lan tỏa rộng khắp đến mọi ngành, mọi giới, đến từng khu dân cư.
Đặc biệt, phong trào thi đua trong hệ thống chính trị được gắn với việc nêu cao đạo đức công vụ, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ngày càng thực chất, hiệu quả. Nhờ đó, các nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng-an ninh, cải cách hành chính luôn đạt kết quả tích cực và hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ Nhân dân.
Song song đó, công tác khen thưởng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến cũng được các cấp, các ngành quan tâm, hướng về cơ sở, gắn với việc biểu dương người làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trước đây, khi biểu dương, khen thưởng, nhiều người có tâm lý ưu tiên lãnh đạo, người đứng đầu. Hiện nay, tâm lý này đã thay đổi, nhất là khi Đảng, Nhà nước đã có những quy định chặt chẽ hơn trong công tác thi đua khen thưởng theo hướng ưu tiên người làm việc trực tiếp, có nhiều đóng góp cho cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và xã hội.
Nhờ vậy, phong trào thi đua càng được lan tỏa sâu rộng, được hưởng ứng tích cực. Từ đó, cán bộ, công chức, người dân, người lao động có thêm động lực để thi đua, đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Thực tế đã chứng minh, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng, chú trọng thi đua thực chất thì nơi đó phong trào diễn ra sôi nổi, công tác chuyên môn đạt kết quả cao.
Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân càng phải ra sức thi đua hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo đà cho năm 2025 và cho giai đoạn tới.
Trong đó, cần đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua lớn như: Cả nước chung sức, xây dựng nông thôn mới; Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở; Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Đảng viên tình nguyện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân.
NGUYỄN ĐỨC