Từ câu chuyện "cơn sốt" chợ quê …
Vừa qua, “cơn sốt” chợ quê An Nhứt tại huyện Long Điền đã gây bão trong cộng đồng người dân và du khách cả nước bởi nét đặc trưng và mới lạ của nó. Nhiều người đã tỏ ra tiếc nuối khi chưa kịp tới thưởng thức “chợ quê” và rất mong chờ phiên chợ được mở cửa trở lại.
Long Điền đã rất thành công trên bước đường tạo dựng thương hiệu cho sự kiện du lịch của địa phương. Một chợ quê mới lạ giữa cánh đồng lúa xanh mướt đã mang lại sức hút to lớn, khiến cho lượng khách đổ về rất đông ngoài sức tưởng tượng của chính quyền huyện. Song, địa phương đã gặp phải trở ngại về vấn đề giao thông, bởi sự thiếu kinh nghiệm và lúng túng trong cách thức tổ chức một sự kiện ở vùng nông thôn lại thu hút quá đông người và phương tiện giao thông đến. Vì vậy, từ ngày 1/3, UBND huyện Long Điền đã ra văn bản quyết định tạm dừng phiên chợ quê An Nhứt, để có tính toán phương án tổ chức phù hợp.
Ẩm thực luôn là điểm nhấn thu hút khách du lịch của các sự kiện văn hóa, du lịch. Từ câu chuyện chợ quê An Nhứt, để thấy rằng khâu tổ chức sự kiện ẩm thực bài bản, khoa học là rất quan trọng, không chỉ giải quyết được những vấn đề phát sinh mà còn góp phần nâng tầm giá trị, thương hiệu cho sự kiện. Có lẽ đây là lần đầu tiên huyện Long Điền có một sự kiện ẩm thực vùng quê lại thu hút lượng rất lớn du khách đến tham gia như vậy. Chính vì vậy, những trở ngại trong khâu tổ chức là điều khó tránh khỏi. Ngay cả TP.Vũng Tàu là nơi thường xuyên và có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện du lịch nói chung và ẩm thực đường phố nói riêng. Song họ cũng không tránh khỏi tình trạng ùn ứ giao thông khi lượng người đổ về quá lớn.
Những năm gần đây, chính quyền TP.Vũng Tàu đã chủ động giải quyết vấn đề này khi xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện, lễ hội một cách bài bản, khoa học. Việc dự kiến số lượng người tham gia luôn là nội dung quan trọng cần tính toán. Từ đó, các kế hoạch tổ chức phân luồng giao thông, vị trí bãi gửi xe, thu phí, không gian sự kiện, các dịch vụ phát sinh… đều được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh cho người dân và du khách. Đặc biệt, việc tổ chức phân luồng, cấm xe ra vào ở một vị trí tuyến đường liên quan sự kiện trong một vài giờ nhất định và được thông báo trước đến người dân, là một trong những cách làm mang lại hiệu quả rất lớn trong việc bảo đảm trật tự giao thông, tránh được ùn tắc khi lượng người, xe cộ đổ về sự kiện quá lớn.
Thêm nữa, để tăng sức hút, quảng bá du lịch địa phương trong các sự kiện ẩm thực cần kết hợp mở rộng tổ chức các gian hàng trò chơi dân gian, trưng bày các sản vật làng nghề thủ công, truyền thống của địa phương… Mỗi hoạt động sẽ mang lại trải nghiệm riêng cho du khách, và góp phần dàn trải không gian thưởng thức của khách, không bị dồn ứ một lúc quá đông vào các gian hàng ẩm thực.
Điều quan trọng nữa là, chính quyền địa phương cần quan tâm, định hướng, quy hoạch hình thành các không gian, khu vực riêng dành cho việc tổ chức sự kiện ẩm thực. Những địa điểm đó phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chí nhất định cho việc tổ chức sự kiện được thuận lợi nhất.
Nếu làm tốt những điều này sẽ thúc đẩy du lịch ẩm thực, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa, ẩm thực đặc trưng của địa phương.
NGUYỄN THIÊN