.

Lực hấp dẫn đầu tư

Cập nhật: 18:31, 06/03/2024 (GMT+7)

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Bà Rịa - Vũng Tàu đang là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội trong 2 tháng đầu năm nay.

Thông tin đáng chú ý trong tuần qua, lãnh đạo tỉnh đã có buổi tiếp và làm việc với Tập đoàn WHA Thái Lan khi DN này đang mong muốn đầu tư KCN - Đô thị - Dịch vụ Châu Đức tại huyện Châu Đức với diện tích 1.200ha.

WHA được biết đến là nhà phát triển hàng đầu tại Thái Lan trong các lĩnh vực bất động sản, công nghiệp, logistics, tiện ích khu công nghiệp và năng lượng. Năm 2017, Tập đoàn WHA đã đầu tư hạ tầng KCN tại Nghệ An, hiện đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa. WHA cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Nam để phát triển KCN sinh thái thông minh WHA - Quảng Nam với diện tích 400ha.

Trước đó, cuối tháng 1/2024, tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Hyosung, Hàn Quốc nghe báo cáo về dự án sản xuất HVO (dầu diesel tái tạo, nhiên liệu hàng không bền vững được sản xuất thông qua xử lý dầu và chất béo từ xúc tác hydro) tại KCN Phú Mỹ 2, TX.Phú Mỹ.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 400 triệu USD, trên diện tích 8,4ha. Sản lượng dự kiến 234 triệu tấn nhiên liệu hàng không bền vững/năm. Đây là một trong những dự án sử dụng công nghệ mới tại Việt Nam, sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường do sử dụng nguồn nguyên liệu sinh học tinh chế như dầu ăn đã qua sử dụng, dầu cá, dầu cọ, mỡ động vật. Công nghệ này giúp giảm 73-84% lượng khí thải carbon so với nhiên liệu thông thường.

Vào tháng 10/2023, Hyosung Việt Nam đã được tỉnh chấp thuận đầu tư dự án nhà máy sợi carbon tại KCN Phú Mỹ 2, TX.Phú Mỹ với tổng vốn dự kiến 540 triệu USD. Đây là một trong những dự án đầu tiên không chỉ của Hyosung, mà còn của thế giới sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất loại nguyên liệu này.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Hyosung - một “đại bàng” trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất của thế giới đầu tư 3 dự án có quy mô lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư dự kiến 1,66 tỷ USD.

Những ví dụ trên cho thấy sức hút của tỉnh với các nhà đầu tư quốc tế. Đó là chưa kể, thời điểm cuối năm 2023, 3 dự án trọng điểm của quốc gia là Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải và cảng cạn Phú Mỹ đi vào hoạt động, có sức lan tỏa lớn, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự sẵn sàng về hạ tầng là một trong những yếu tố hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong nhiều năm trở lại đây.

Đó là tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với nhiều tuyến đường trọng điểm như đường ven biển ĐT994, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An... Hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng được tăng cường. Hệ sinh thái logistics đang dần hoàn thiện.

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi cuối năm 2023, thời gian tới sẽ bổ sung 7 KCN và 5 CCN mới, nâng tổng số KCN của tỉnh lên 24 khu với tổng diện tích 16.052ha và 16 CCN với tổng diện tích 547ha để đón nhà đầu tư.

Không chỉ tạo ra hệ sinh thái để các tập đoàn, DN công nghệ cao, có tiềm lực tài chính tin tưởng mà tỉnh còn liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực... Đặc biệt, việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh (997) đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả để nhà đầu tư yên tâm thực hiện các dự án.

Như vậy, ngoài hạ tầng “cứng”, thì hạ tầng “mềm” cũng được quyết liệt triển khai song hành. Hướng đi đúng, quyết sách kịp thời, kỳ vọng sẽ thêm nhiều “đại bàng” FDI tạo nên làn sóng đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu trong tương lai gần.

NGÔ GIA

 

.
.
.