Sở thích phải đi đôi với sở trường
Vũ Minh, cậu bạn học cùng phổ thông với tôi có một ước mơ cháy bỏng là trở thành họa sĩ, hoặc chí ít cũng làm nghề liên quan đến mỹ thuật. Chúng tôi học ở trường làng, hồi ấy, học vẽ là môn xa xỉ bởi học cụ và thầy dạy vẽ ở vùng quê gần như không thể có.
Vũ Minh vẫn nhất quyết nộp hồ sơ thi vào trường đại học mỹ thuật có tiếng. Năm đầu tiên, bạn thi trượt. Và bạn đã khăn gói ra thủ đô để tìm thầy học vẽ, năm thứ hai, bạn vẫn... trượt, đến năm thứ ba mới trúng tuyển. Nhưng tận 10 năm sau, bạn vẫn chưa thể tốt nghiệp chỉ vì nợ môn. Bạn vẫn bám trụ và tìm nguồn thu nhập để lấy ngắn nuôi dài bằng việc vẽ chân dung cho du khách ở một góc công viên ngay gần trường.
Cuộc sống bấp bênh, tuổi đã không còn trẻ, nghe lời khuyên của ba mẹ, Vũ Minh trở về quê, gắn bó với nghề làm ruộng và dạy vẽ cho lũ trẻ trong làng. Vũ Minh nói rằng, nếu được lựa chọn lại, có lẽ bạn sẽ chọn lối đi khác, phù hợp với năng lực của mình hơn, thay vì chỉ là sở thích cá nhân.
Còn với Nhật Nam, việc lựa chọn ngành công nghệ thông tin theo sở thích đã khiến cậu trầy trật trong suốt 2 năm ở trường đại học. Chương trình kỹ sư công nghệ thông tin quá khó so với khả năng, khiến cậu phải nợ môn, dù học ngày học đêm. Nhật Nam đành chuyển hướng đăng ký ngành học khác vừa sức hơn, để có cơ hội tốt nghiệp đại học theo lời khuyên của chính thầy giáo đang phụ trách lớp. Nhật Nam đã có sự chuyển hướng kịp thời để không mất quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Đó cũng là bài học lớn cho cậu sinh viên trẻ khi vừa chập chững bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Trên thực tế, có nhiều bạn trẻ đã chạy theo sở thích của mình trong chọn nghề cho tương lai, mà không cân nhắc đến những yếu tố đi kèm. Trong đó, có năng lực hay còn gọi là sở trường của bản thân liệu có đáp ứng được yêu cầu ngành học mình chọn hay không. Và nhu cầu xã hội của ngành dự tính học cũng là một yếu tố quan trọng.
Đam mê không phải là mặt trái, tiêu cực, dẫn đến thất bại. Đam mê sẽ được tiếp thêm lửa để thành công mỹ mãn, nếu như sát thực tế và đam mê đó nằm trong tầm tay, khả năng của cá nhân. Đam mê còn là liều thuốc mạnh để kích hoạt sự nỗ lực, quyết tâm đạt tới thành công khi đã có sẵn nền tảng về năng lực.
Chính vì vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông là vô cùng quan trọng, để làm cơ sở cho các bạn trẻ có lựa chọn chuẩn xác nghề nghiệp tương lai của mình. Qua đó, cũng giúp giảm tỷ lệ cử nhân phải làm trái nghề được đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động phải tốn công, tốn của đào tạo lại.
Khi được hướng nghiệp chính xác và phù hợp ngay từ đầu, các bạn trẻ sẽ dễ dàng lên kế hoạch đầu tư vào phát triển bản thân, từ đó nhanh chóng chạm đến giấc mơ nghề nghiệp của bản thân hơn.
Theo các chuyên gia, sở trường và sở thích chính là 2 yếu tố giúp các bạn trẻ có khả năng cao thành công trong công việc mình lựa chọn, bởi được làm điều mình giỏi, mình thích sẽ có niềm đam mê và sự quyết tâm cao hơn khi phải làm những công việc mình không thích.
Trước ngưỡng cửa cuộc đời, ngay từ bây giờ, các bạn học sinh, nhất là các bạn chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12 hãy suy nghĩ xem mình thực sự thích và có sở trường gì, từng bước học hỏi và trau dồi kỹ năng để đáp ứng nghề nghiệp trong tương lai.
TIỂU CƯỜNG