.

Gỡ nút thắt cho công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 17:45, 07/03/2024 (GMT+7)

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được xác định là ngành công nghiệp quan trọng, là nội lực của sự phát triển công nghiệp quốc gia. Nghị quyết 115/ NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu: Đến năm 2025, các DN nước ta có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Sản phẩm của CNHT là phụ tùng, linh kiện, nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa trung gian, đầu vào cho hoạt động sản xuất sản phẩm cuối cùng. Hiện cả nước có khoảng 5.000 DN CNHT tham gia sản xuất, cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các DN sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho hoạt động xuất khẩu và 17% tham gia cung cấp cho cả hai. Tính chung, cả nước mới chỉ có khoảng 30% DN CNHT tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Dư địa để ngành CNHT bứt phá rất khả thi, khi đây là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút nguồn vốn FDI rất lớn. Tuy nhiên, số lượng DN CNHT của nước ta chưa nhiều, ngành CNHT vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng thấp trong chuỗi cung ứng. Các sản phẩm CNHT tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí; còn những sản phẩm CNHT mang hàm lượng công nghệ cao, tinh vi, phức tạp… vẫn do các DN FDI nắm giữ.

Phần lớn các DN CNHT là DN nhỏ và vừa nên gặp nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực và nhất là vốn. Bên cạnh đó, thị trường CNHT của nước ta hiện vẫn ở quy mô nhỏ, sản lượng thấp, nên chưa thu hút các DN đối tác; tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm công nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

Đặt nhiệm vụ ưu tiên phát triển CNHT làm trọng tâm, thúc đẩy liên kết, tạo vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực, qua đó cải thiện tỷ lệ nội địa hóa và tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác  cao, thân thiện với môi trường, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển CNHT thuộc các lĩnh vực CNHT linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng điện - điện tử, linh kiện máy móc, đóng sửa tàu thuyền…

Hàng năm, với gần 100 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT của tỉnh đóng góp khoảng 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Một số DN CNHT tăng cường ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng và để nền kinh tế phát triển bền vững, theo các chuyên gia, nước ta cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng nền sản xuất tự chủ với CNHT là nội lực của sự phát triển công nghiệp quốc gia. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang khu vực chưa hạ nhiệt, thì nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị, gián đoạn nguồn cung vẫn là những thách thức lớn đối với các DN và các địa phương.

Do đó, để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng CNH-HĐH, các ngành, các địa phương và các DN CNHT cần kịp thời tháo gỡ những nút thắt theo hướng mở rộng phạm vi của CNHT, bao gồm các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì theo chuỗi giá trị cung ứng như hiện nay. Tập trung phát triển mạnh CNHT gắn với công nghệ thông minh, thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn và giá trị gia tăng cao; không thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường.

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp mang tính cốt lõi về kết nối kinh doanh, thông tin thị trường đồng bộ với công tác truyền thông giúp DN CNHT nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu sản xuất nội địa và xuất khẩu.

HOÀNG LÊ

.
.
.